ĐỀ XUẤT VỀ QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG TRONG DỰ ÁN LUẬT

15/10/2021

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 do Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, Ủy ban đã có những đề xuất về quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động cũng như một số quy định liên quan khác.

 

Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở nghiên cứu Tờ trình số 287/TTr-CP ngày 2/8/2021 của Chính phủ về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa đóng góp ý kiến về Luật Cảnh sát cơ động.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, cho biết đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án luật, sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động trên cơ sở Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự án Luật Cảnh sát cơ động có nhiều nội dung liên quan đến các luật khác như: Luật Quốc phòng, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Dân quân tự vệ, Luật Phòng, chống thiên tai, ...nhất là với Luật Công an nhân dân. Cảnh sát cơ động là bộ phận cấu thành công an nhân dân nên trong dự thảo luật nhiều nội dung như nguyên tắc hoạt động, nghĩa vụ và trách nhiệm; vấn đề đảm bảo cơ sở vật chất, trang, thiết bị, cờ hiệu, phù hiệu, chế độ, chính sách; tiêu chuẩn tuyển chọn,... cơ bản đều đã được quy định trong Luật Công an nhân dân. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo dự án luật rà soát kỹ, xem xét, cân nhắc điều, khoản cần quy định, tránh trùng lắp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cân nhắc bỏ cụm từ chuyên trách trong “lực lượng vũ trang nhân dân chuyên trách”

Ngoài những ý kiến chung nêu trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có một số ý kiến đối với Điều 3 dự thảo luật. Theo đó, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc, xem xét bỏ cụm từ chuyên trách trong “lực lượng vũ trang nhân dân chuyên trách” tại Điều 3 dự thảo luật, vì lý do:

Thứ nhất: Điều 23 Luật Quốc phòng 2018 quy định: lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam gồm có Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Trong đó, tại Điều 3 Luật Công an nhân dân quy định “Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Luật Công an nhân dân 2018 ban hành, với hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cấp xã đều là lực lượng công an chính quy, lực lượng công an bán chuyên trách trước đây đã hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai: Tại Điều 2 Luật Dân quân tự vệ quy định “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ”. Như vậy, ở Luật này cũng không có khái niệm không chuyên trách hay bán chuyên trách.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh, mục đích khái niệm chuyên trách ở đây để phân biệt với không chuyên trách hay bán chuyên trách là không rõ ràng, không cần thiết, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định tại các Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, cần cân nhắc bổ sung thêm nội dung “đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” cho phù hợp với Luật Công an nhân dân 2018 với lý do: Chức năng chung của Công an nhân dân nói chung là: “bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Theo đó, lực lượng Cảnh sát cơ động cũng tham gia vào các chức năng trên và thậm chí trong nhiều trường hợp đóng vai trò tuyến đầu khi đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Không nên giao quyền hạn ngăn chặn, vô hiệu hoá hay nổ súng vào phương tiện bay không người lái cho Cảnh sát cơ động

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho ý kiến đối với Điều 4 dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Theo đó, dự thảo Luật quy định một trong sáu nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động là “Ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động của Cảnh sát cơ động” là chưa thống nhất với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của cảnh sát nhân dân được quy định tại Điều 4 Luật Công an nhân dân. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung thêm một điều quy định về chính sách đối với Cảnh sát cơ động, trong đó có nội dung Nhà nước ưu tiên phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ đối với hoạt động của Cảnh sát cơ động cho phù hợp với nhu cầu và thực tiễn.

Đối với Điều 11 dự thảo Luật: Tại khoản 3 Điều 11 của dự thảo luật về quyền hạn của Cảnh sát cơ động quy định, Cảnh sát cơ động có quyền “Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động”.

Tại khoản 1 Điều 17 quy định “Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 23 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” thì người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa...”, không có quy định việc được nổ súng vào phương tiện bay không người lái. Bên cạnh đó, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ và quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, mặc dù chưa quy định về các hành vi vi phạm và biện pháp xử lý đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nhưng việc Quản lý điều hành, giám sát hoạt động bay đang được giao cho Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý, chỉ trong một số trường hợp như: nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh tàu bay không người lái và các loại phương tiện bay siêu nhẹ thì cần có sự phối hợp với Bộ Công an.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh, thực tiễn hiện nay, việc ngăn chặn, vô hiệu hóa đối với các phương tiện bay đòi hỏi sử dụng công nghệ hiện đại, phức tạp, khó khăn, tốn kém. Việc ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác chủ yếu sử dụng hình thức bắn tiêu diệt, phá hủy mục tiêu. Các nước trên thế giới hầu hết sử dụng vũ khí phòng không và quân đội phụ trách để thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị không nên giao quyền hạn ngăn chặn, vô hiệu quá hay nổ súng vào phương tiện bay không người lái cho lực lượng Cảnh sát cơ động như đề xuất trong dự án luật./.

Bích Lan