ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH: DẤU ẤN TRONG XÂY DỰNG LUẬT ĐẦU TIÊN CỦA NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV

30/01/2022

Là dự án Luật đầu tiên thuộc lĩnh vực Quốc phòng - An ninh của nhiệm kỳ khoá XV được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Luật Cảnh sát cơ động đã bổ sung thêm dấu ấn kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên… Uỷ ban Quốc phòng và An ninh trong hoạt động Lập pháp.

 

Là dự án Luật đầu tiên thuộc lĩnh vực Quốc phòng - An ninh của nhiệm kỳ khoá XV được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Luật Cảnh sát cơ động đã bổ sung thêm dấu ấn kinh nghiệm sâu sắc trong tập thể lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên… Uỷ ban Quốc phòng và An ninh về hoạt động Lập pháp. Với tinh thần “đổi mới” phương thức hoạt động, Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Cơ quan chủ trì thẩm tra đã vào cuộc từ sớm, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với Ban soạn thảo nhằm thực hiện mục tiêu "Luật phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn và triển khai hiệu quả".

Khảo sát thực tế tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc

Ngày 06/12/2021, Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tiến hành khảo sát thực tế tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, đóng tại địa bàn thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Qua ghi nhận cho thấy, cơ sở vật chất của đơn vị chưa được xây dựng hoàn thiện, còn nhiều thiếu thốn; Đơn vị phải để nhờ ô tô và các phương tiện đặc chủng tại một địa điểm ngoài đơn vị….

Khảo sát tại Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Hà Giang, Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, mặc dù đơn vị đã có thao trường, bãi tập khá rộng rãi, nhưng cơ sở vật chất của đơn vị còn thiếu, lại chưa có trường bắn phục vụ công tác huấn luyện. Cơ sở vật chất của đơn vị, điều kiện sinh hoạt của cán bộ chiên sỹ không đáp ứng được yêu cầu.

Những vấn đề bức thiết trên cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị Cảnh sát cơ động hiện nay. Với việc triển khai các Đoàn Khảo sát tại cả miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Cơ quan thẩm tra sẽ có nhiều cơ sở thực tế để tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung vào dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại buổi khảo sát tại Đà Nẵng

Theo Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, qua khảo sát, phần lớn anh em Cảnh sát cơ động đều đề nghị, để phục vụ cho công tác chiến đấu và sinh hoạt, cần phải có Nhà công vụ cho anh em. “Phải có thao trường và nơi luyện tập. Quan tâm đến chế độ chính sách cho cán bộ chiến sỹ Cảnh sát cơ động. Có thể nói, chỉ có qua khảo sát, Cơ quan thẩm tra mới nắm được để đưa vào dự thảo luật”, Trung tướng Trần Ngọc Khánh nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho rằng, lan tỏa tinh thần đổi mới của Quốc hội khóa XV, đúng như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động tiến hành khảo sát tại các đơn vị, địa phương với tinh thần đổi mới toàn diện cả về lý luận cũng như căn cứ thực tiễn để xây dựng thẩm tra dự thảo Luật này. Với sự chủ động “từ sớm, từ xa” của Cơ quan chủ trì thẩm tra, sự phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, hồ sơ dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2. Đây cũng là dự án Luật nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội, với tổng số gần 300 ý kiến phát biểu cả ở Tổ và hội trường.

Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh 

Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho rằng, Cảnh sát cơ động là một trong những lực lượng cấu thành của lực lượng Công an nhân dân nhưng có tính đặc thù. Vì vậy, phải làm nổi bật tính đặc thù đó cả về thực tiễn và lý luận thì khi đưa vào dự án Luật mới tạo sự đồng thuận trước Quốc hội. Ngay từ lúc đầu, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trình dự án Luật để đánh giá đầy đủ sự cần thiết phải ban hành dự luật này, đồng thời đánh giá tác động đối với từng nội dung mới trong dự thảo. Trên cơ sở đó, Ủy ban đã phân công từng nhóm, tổ đại biểu Quốc hội phối hợp với các bộ phận của cơ quan trình dự án Luật để phân tích một cách tỉ mỉ, đưa ra các phương án, kế hoạch khảo sát  sát vơí thực tiễn, trao đổi với các chuyên gia. Để đáp ứng yêu cầu kéo dài “tuổi thọ” của Luật, Cơ quan thẩm tra cũng lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhiều chiều của các chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực này.

“Có thể khẳng định rằng, việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu linh hoạt, sáng tạo để làm sao đáp ứng yêu cầu, mục đích và tiêu chí Quốc hội khóa XV đã đặt ra” - Trung tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức khẳng định.

Chia sẻ về quá trình thẩm tra dự án Luật đầu tiên về lĩnh vực Quốc phòng - An ninh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Ủy ban, Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, dưới sự chỉ đạo đổi mới, quyết liệt của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Quốc hội với phương châm “chất lượng, hiệu quả, sát thực tế” và luật phải đáp ứng yêu cầu thực tế. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng như các đồng chí Thường trực Ủy ban rất tập trung, trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trao đổi với phóng viên

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhấn mạnh đến 3 đổi mới: “Thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn chủ động đặt ra những nhiệm vụ, như đa dạng hóa việc thảo luận, hội thảo. Thứ hai, sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chúng tôi chủ động kết hợp với Ban soạn thảo để giải trình rất cặn kẽ, kể cả những ý kiến trái chiều. Thứ ba, chúng tôi đã cử 3 đoàn đi khảo sát thực tế ở miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, nơi đóng quân chiến đấu của cán bộ chiến sỹ Cảnh sát cơ động, qua đó thu thập được những tài liệu rất giá trị để phục vụ công tác thẩm tra”.

Với trọng trách thẩm tra dự án Luật đầu tiên về Quốc phòng - An ninh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục chủ động, đổi mới, đa dạng cách thức hoạt động để chất lượng dự thảo Luật phản ánh thực tế hoạt động của Cảnh sát cơ động - Lực lượng được mệnh danh “quả đấm thép” của ngành Công an, trong đảm bảo an ninh, an toàn xã hội.

Theo dự kiến, dự án Luật Cảnh sát cơ động sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội./.

Khắc Phục

Các bài viết khác