PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

05/08/2021

Ngày 05/8, tại trụ sở 22 Hùng Vương, Hà Nội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, đã có buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Tham dự có đồng chí Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban cùng các đồng chí lãnh đạo Ủy ban, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách và lãnh đạo Vụ Quốc phòng-An ninh.

 Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, báo cáo tình hình hoạt động chung của Uỷ ban

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh được Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và Ủy ban Thường vụ Quốc hội bầu, phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, gồm 41 thành viên, gồm Chủ nhiệm Ủy ban là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 04 Phó Chủ nhiệm Ủy ban, 04 Ủy viên thường trực; 01 Ủy viên chuyên trách và 31 Ủy viên Ủy ban. Triển khai nhiệm vụ sau khi được kiện toàn, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ nhất để dự kiến chương trình hoạt động và phân công nhiệm vụ các Tiểu ban. Theo đó, trong nhiệm kỳ này, Ủy ban dự kiến thành lập 4 Tiểu ban gồm: Tiểu ban Quốc phòng; Tiểu ban An ninh và Đối ngoại; Tiểu ban Trật tự, an toàn xã hội và Tiểu ban Biên giới, biển đảo. Hiện Ủy ban đang chờ Quy chế mẫu hoạt động của các Ủy ban để xây dựng Quy chế làm việc; rà soát Quy chế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Văn phòng Chủ tịch nước.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, dự kiến hoạt động 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Ủy ban sẽ thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021); tiếp thu, giải trình trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (Tháng 5/2022) và thẩm tra các dự án luật khác khi Chính phủ trình Quốc hội thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi một số văn bản, luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao tại Thông báo số 1222/VPQH ngày 17/6/2021 của Văn phòng Quốc hội. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh se phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về từng nội dung cụ thể theo quy định.

Thành viên Thường trực Ủy ban phát biểu tại buổi làm việc

Về hoạt động khảo sát, giám sát, do đại dịch COvid-19, hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban sẽ bị ảnh hưởng, nên trước mắt, Ủy ban tập trung thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách quốc phòng, an ninh; tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021; phương hướng nhiệm vụ và ngân sách quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022; kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Triển khai khảo sát phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, giải trình các dự án luật do Ủy ban được phân công chủ trì thẩm tra; khảo sát phục vụ hoạt động thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội theo kế hoạch hoặc khi có yêu cầu.

Về đề xuất, kiến nghị, Ủy ban đề nghị Đảng đoàn Quốc hội kiến nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu đổi mới cơ chế Đảng lãnh đạo đối với Quốc hội; chế độ sinh hoạt đảng của đảng viên là Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban phù hợp với đặc thù của các cơ quan Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Tại buổi làm việc, các đồng chí Thường trực Ủy ban cũng đã cho ý kiến về việc tham gia của các thành viên kiêm nhiệm vào hoạt động của Ủy ban; các hoạt động của Ủy ban gắn với chức năng nhiệm vụ như: thẩm tra, giám sát khảo sát các dự án Luật và các hoạt động khác, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…

Thành viên Thường trực Ủy ban phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng đây là cuộc họp rất hiệu quả, qua đó để tiếp xúc, lắng nghe báo cáo tình hình cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch thời gian tới của Ủy ban. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nghi nhận những ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đã nói lên những tâm tư, mong muốn, những vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, qua đó giúp cho Phó Chủ tịch Quốc hội có thêm thông tin về bức tranh tổng thể hoạt động của Ủy ban cũng như của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu, để tìm cách tháo gỡ những bất cập trong thời gian tới trên tinh thần cùng nhau đồng hành bởi “muốn đi xa thì phải chung”.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đồng tình các ý kiến đã phát biểu về sự thống nhất, phát huy dân chủ trên cơ sở tranh luận, phản biện giữa các đại biểu Quốc hội trong Thường trực Ủy ban, Ủy ban, tuy nhiên cần phải đảm bảo sự tập trung, thống nhất trong tập thể Thường trực Ủy ban và Ủy ban.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, chủ động triển khai công việc của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19. Thường trực Ủy ban có tới 50% thành viên mới, trong điều kiện yêu cầu thời gian tới của Quốc hội là rất cao để triển khai Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, đòi hỏi hoạt động của Thường trực Ủy ban cần nhanh, chuẩn xác. Đây là áp lực lớn nhưng cũng là điều kiện để các đồng chí Thường trực Ủy ban có môi trường công tác tốt hơn để rèn luyện cả về trí tuệ, bản lĩnh cũng nhưu đội nhạy, sự mẫn cảm về chính trị.

Trên cơ sở Thông báo 960 của Văn phòng Quốc hội về Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Thường trực Ủy ban triển khai nghiêm túc những nội dung đã được kết luận.

Chia sẻ với Thường trực Ủy ban về công tác lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là chức năng số một của Quốc hội mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác thực hiện theo Luật định. Vì vậy Ủy ban đảm nhiệm “2 vai”, vừa tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội với vai trò là cơ quan của Quốc hội, của nhân dân, vừa đảm nhiệm vai thứ 2 là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, nếu Ủy ban giải quyết hài hòa 2 mối quan hệ này sẽ đạt được thành công.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cũng lưu ý, đối với những nội dung dự án Luật do Ủy ban chủ trì, cần phối hợp với các Bộ ngành thuộc lĩnh vực của mình để dự báo Kế hoạch 5 năm mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới đề cập đến dự kiến cho 3 năm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban chủ động dự báo để có tư duy sớm cả về nội dung, cách thức tiến hành trong việc thẩm tra, nâng chất lượng thẩm tra. Bởi Ủy ban chủ động sớm hơn thì sẽ có phản biện tốt hơn, thể hiện chính kiến quan điểm của mình sớm hơn, tốt hơn, lập luận chặt chẽ hơn, cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ hơn và tính thuyết phục cao hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban tham gia thẩm định các dự án Luật mà các Ủy ban khác chủ trì với tinh thần, thái độ trác nhiệm cao nhất trước Đảng, trước nhân dân, trước “vận mệnh” của Tổ quốc cao nhất về mặt quốc phòng, an ninh. Việc phân công các Tiểu ban tham gia nội dung này cần đưa vào Quy chế hoạt động của Ủy ban để tham mưu cho Ủy ban, Thường trực Ủy ban.

Về giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, yêu cầu của Quốc hội, Uỷ bna Thường vụ Quốc hội là nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Đây cũng là nội dung rất khó bởi Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần lưu ý đến tính đặc thù của 2 Bộ: Quốc phòng và Công an, cũng như tính đặc thù của chính Ủy ban trong hoạt động giám sát của mình.

Về Quy chế làm việc của Ủy ban, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí Thường trực Ủy ban tham gia tích cực vào Quy chế mẫu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để phản ánh cho được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ và các mối quan hệ công tác phù hợp với tình hình hiện nay để từ đó áp dụng Quy chế hoạt động của Ủy ban hoạt động cho phù hợp, thuận tiện hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, Ủy ban đã có Quy chế phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước, vì vậy cần xem xét có cần thiết xây dựng Quy chế phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ hoặc quy chế mối quan hệ trong nội bộ Quốc hội để hoạt động của Ủy ban tốt hơn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cần nắm chắc tình hình về quốc phòng, an ninh, chia sẻ thông tin để tham mưu kịp thời cho Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không để bị động bất ngờ về lĩnh vực này. Các thành viên Ủy ban tham dự đầy đủ các phiên họp toàn thể thẩm tra các dự án Luật để đảm bảo chất lượng hoạt động của Ủy ban. Về xây dựng Văn bản quy định chính sách đối với sỹ quan biệt phái; Quy định chung về trang phục, sắc phục của các lực lượng có tính chất giống trang phục của lực lượng vũ trang, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban cần nghiên cứu để có đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo, thể thức văn bản trên cơ sở tiến hành các cuộc khảo sát, giám sát về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Ủy ban sớm sắp xếp để có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nhằm thống nhất Chương trình xây dựng pháp luật 5 năm và hàng năm; trao đổi về Quy chế phối hợp giữa 2 bên và một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh với 2 Bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tin tưởng, với quyết tâm, trách nhiệm, với sự điều hòa, sắp xếp, tổ chức công việc hợp lý, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sẽ đạt nhiều thành công trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đóng góp nhiều hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xứng đáng với niềm tin của Quốc hội, của cử tri và nhân dân cả nước về hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đánh giá buổi làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương với Thường trực Ủy ban đã tạo luồng sinh khí mới, góp phần nâng cao chất lượng làm việc, hoạt động của Thường trực Ủy ban và Ủy ban trong điều kiện Ủy ban mới được kiện toàn; Buổi làm việc cũng là dịp để Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh có thêm nhiều thông tin hữu ích trong công tác nắm tình hình để chỉ đạo chung.

Thay mặt Thường trực Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới tiếp thu các ý kiến chỉ đạo rất tâm huyết, sâu sắc, cụ thể của Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng thời khẳng định sẽ cùng các thành viên Thường trực Ủy ban quán triệt để tổ chức thực hiện hiệu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cam kết với Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương sẽ nỗ lực, xây dựng tinh thần  đoàn kết, dân chủ trong Uỷ ban để cùng thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời mong muốn Phó Chủ tịch Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo những vấn đề lớn để Ủy ban thực hiện hiệu quả trong thời gian tới./.

Khắc Phục