Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ
Tham dự buổi làm việc còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Phó Trường Đoàn giám sát; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Phó Trưởng Đoàn giám sát; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cùng các thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan.
Phát biểu tại buổi làm việc Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, giai đoạn 2011- 2016 là thời điểm đặc biệt có nhiều biến động trong việc huy động, sử dụng vốn vay nước ngoài và cũng có những chuyển tiếp đến giai đoạn hiện nay, bộc lộ một số tồn tại sớm phải tháo gỡ để đảm bảo các cam kết với đối tác quốc tế, đảm bảo mục tiêu kiểm soát vĩ mô, kiềm chế lãm phát, an toàn tài chính quốc gia, vấn đề quản lý tài chính đồng bộ giữa các luật hiện hành và sử dụng hiệu quả vốn vay - một nguồn vốn quan trọng của tài chính quốc gia cho đầu tư phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, thực hiện kế hoạch giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 424/2017/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, thời gian qua Đoàn giám sát đã tổ chức nhiều đoàn công tác, khảo sát thực tế và làm việc với các địa phương, các Bộ, ngành, cũng như các nhà tài trợ song phương và đa phương với Việt Nam để có đánh giá bước đầu về tình hình chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài. Buổi làm việc với Chính phủ là nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến tổng hợp của Chính phủ và trao đổi các nội dung mà Đoàn giám sát quan tâm như đánh giá tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá tình hình thực tế triển khai sử dụng vốn vay nước ngoài, những tồn tại và định hướng trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp và báo cáo đến Quốc hội tại kỳ họp tới, trong đó nêu được những kiến nghị, đề xuất khắc phục những tồn tại, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, hướng đến cách giải quyết tích cực tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của nguồn vốn ODA trong giai đoạn tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc
Trình bày tóm tắt báo cáo của Chính phủ việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong giai đoạn 2011-2016 về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đồng bộ, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao góp phần nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2016.
Về đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về số lượng dự án hoàn thành và đạt kết quả phát triển và đạt các mục tiêu đề ra. Theo báo cáo đánh giá kết quả các dự án JICA (Nhật Bản), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), các dự án của cả 03 nhà tài trợ này tại Việt Nam đạt kết quả cao hơn, tốt hơn các quốc gia khác (Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Srilanca) trên cơ sở hệ thống tiêu chí của các nhà tài trợ này.
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Nhiều công trình, dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Các nguồn vốn vay còn hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ và tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, tạo ra việc làm.
Tuy nhiên trong quá trình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA còn tồn tại một số bất cập hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như tiến độ thực hiện, giải ngân các chương trình dự án chưa đáp ứng được yêu cầu và cam kết trong hiệp định ký kết với các nhà tài trợ; thiết kế của một số chương trình, dự án ODA chưa sát với thực tế. Một số bộ, ngành địa phương còn để xảy ra sai phạm, tiêu cực; chế độ báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa thực hiện đầy đủ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại buổi làm việc
Để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vố vay nước ngoài trong thời gian tới, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công giải quyết những bất cập liên quan đến đặc thù của nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; tăng cường giám sát đối với việc thực thi chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Cùng với đó, Chính phủ/ Thủ tướng Chính phủ tổ chức quán triệt thực hiện Luật Quản lý nợ công; phê duyệt Báo cáo cập nhật Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025. Tăng cường sự phối hợp liên ngành, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài; đẩy mạnh hài hòa quy trình thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ.
Phát biểu tại buổi làm việc, đa số ý kiến thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao các nội dung báo cáo của Chính phủ bám sát các nội dung yêu cầu với nhiều nội dung chi tiết, số liệu đánh giá toàn diện. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, bổ sung làm rõ một số nội dung như đánh giá hiệu quả sử dụng thực tế của dự án, tỷ trọng đầu tư không đồng đều giữa các khu vực và giữa các lĩnh vực, vấn đề giải ngân theo tiến độ hay giải ngân theo kế hoạch, bố trí vốn đối ứng, giải pháp rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, nâng cao năng lực, chất lượng thẩm định phê duyệt dự án…
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát
Chia sẻ Chính phủ đánh giá rất cao mục đích ý nghĩa chương trình giám sát của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung báo cáo, trong đó chú trọng đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay ODA để có cái nhìn toàn diện không chỉ trong giai đoạn 2011-2016 mà trong cả quá trình 25 năm qua kể từ khi Việt Nam bắt đầu nhận vốn viện trợ không hoàn lại, viện trợ ưu đãi và vay ưu đãi nước ngoài; chỉ rõ nguyên nhân của việc sử dụng chưa hiệu quả và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới./.