Tham gia phiên họp còn có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra báo cáo công tác năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước
Năm 2019 được cho là năm đánh dấu bước trưởng thành trong chặng đường 25 năm thành lập và phát triển của Kiểm toán Nhà nước, có ý nghĩa quyết định trong việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020. Trong bối cảnh còn những khó khăn nhất định trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế để thực hiện có hiệu quả, chất lượng các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, cùng với các thay đổi trong quản lý, điều hành…song với nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu lực quản lý tài sản, tài chính công.
Theo kế hoạch năm 2019, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 213 cuộc kiểm toán, giảm 19 cuộc so với năm 2018. Tính đến 20/8, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 147 cuộc kiểm toán, kết thúc 144 cuộc và phát hành 98 báo cáo kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước đã mạnh dạn triển khai thực hiện một số giải pháp mới có tính đột phá trong thực hiện kế hoạch kiểm toán như thí điểm hoán đối đơn vị chủ trì kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, xác định danh mục cụ thể các đơn vị đầu mối, dự án được kiểm toán.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước, đánh giá cao nỗ lực thực hiện nhiêm vụ được giao của Kiểm toán Nhà nước. Ghi nhận những kết quả đạt được các đại biểu cho rằng, thông qua việc triển khai thực hiện các nội dung, chuyên đề kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sảng công, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế, bất cập. Đặc biệt là các sai phạm được phát hiện thông qua các chuyên đề kiểm toán nhà kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, kiểm toán chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…Tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ rõ, Kiểm toán Nhà nước mới chỉ triển khai được khoảng 70% số cuộc kiểm toán theo kế hoạch phải thực hiện trong năm 2019, số lượng báo cáo phát hành chỉ chiếm khoảng 68% số lượng các cuộc kiểm toán đã kết thúc. Như vậy khối lượng công việc còn phải thực hiện trong năm là rất lớn, đề nghị Kiểm toán Nhà nước quyết liệt hơn trong chỉ đạo để tập trung nhân lực, thời gian, phấn đấu hoàn thành kế hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội Vũ Danh Hiệp báo cáo một số ý kiến nghiên cứu ban đầu về báo cáo của Kiểm toán Nhà nước
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ thực hiện các kiến nghị liên quan đến xử lý tài chính còn khá thấp (tính đến 20/8/2019 là 51,3%), việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến sử đôi, bổ sung hoặc hủy bỏ thay thế các văn bản đạt tỷ lệ thấp. Do đó đề nghị Kiểm toán Nhà nước báo cáo thêm về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để có giải pháp thão gỡ. Trường hợp cần thiết có thể có danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét , có ý kiến xử lý để bảo đảm tính nghiêm minh trong thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu đã nêu về giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; tham gia của Kiểm toán Nhà nước trong tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách.
Lưu ý Kiểm toán Nhà nước cần căn cứ vào những điều quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước để hoàn thiện các báo cáo trong đó nhấn mạnh những ưu điểm những kết quả đạt được; đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề như: ý kiến của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội xem xét phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, về công tác quyết toán ngân sách Nhà nước; sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước trong công tác thẩm định, thẩm tra công tác tham gia xây dựng pháp luật; công tác phổ biến pháp luật của Kiểm toán Nhà nước …
Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Tài chính- Ngân sách sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 37.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến thẩm tra về Kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước./.