THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT CHỨNG KHOÁN (SỬA ĐỔI)

02/04/2019

Chiều ngày 02/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, chuyên gia cùng các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tạo ra kênh huy động vốn hiệu quả để phát triển kinh tế

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Chứng khoán 2006 và sửa đổi bổ sung năm 2010 đã tạo khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Sau 10 năm triển khai thực hiện cho thấy thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, ổn định, tạo ra kênh huy động vốn dài hạn trung hạn cùng với thị trường tín dụng để phát triển kinh tế.

Ủy ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Tuy nhiên, Luật Chứng khoán năm 2006 ra đời khi thị trường chứng khoán mới hình thành, quy mô thị trường nhỏ, các sản phẩm, dịch vụ của thị trường chưa đa dạng. Sau hơn 10 năm phát triển, thị trường chứng khoán đã thay đổi cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nhưng hệ thống quy định pháp luật chưa được điều chỉnh kịp thời.

Các Bộ luật, luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế với nhiều quy định mới, liên quan đến những hoạt động, đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán những Luật Chứng khoán chưa được sửa đổi

Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán các nước trên thế giới cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực đã đặt ra yêu cầu cải cách với thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là hệ thống pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán để phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời tạo ra cơ hội để hội nhập với thị trường chứng khoán trong khu vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, thực trạng đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán; nhấn mạnh việc sửa đổi phải tạo ra được kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, qua rà soát, Chính phủ nhận thấy có 128 điều quy định trong Luật Chứng khoán hiện hành cần được điều chỉnh chiếm khoản 94% tổng số điều. Mặt khác, có nhiều nội dung quan trọng đối với công tác quản lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán như trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán; thầm quyền, thủ tục tạm dựng, đóng cửa, khôi phục thị trường chứng khoán; trách nhiệm của Sở giao dịch chứng khoán, thành viên thị trường…cần được bổ sung, sửa đổi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải phát biểu tại phiên họp

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 08 điều. Nội dung dự thảo luật cụ thể hóa 08 nhóm chính sách gồm chính sách về hàng hóa trên thị trường chứng khoán, thị trường giao dịch chứng khoán; đăng kí lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán; thu hút đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam; quản trị công ty; tổ chức kinh doanh chứng khoán; công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam; hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Rà soát nhiều nội dung của dự thảo Luật

Tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, đánh giá cao nội dung hồ sơ dự án Luật nhiều thông tin, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu sự tác động của luật.

Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các vấn đề cụ thể của dự thảo Luật. Trong đó có quy định về điều kiện để chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty đại chúng, điều kiện để trở thành công ty đại chúng, quy định về tăng vốn điều lệ có phù hợp với thực tế và bảo đảm đồng bộ công bằng trên thị trường. Quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có cần quy định nguyên tắc điều kiện vận hành thị trường vốn cho doanh nghiệp nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chào bán chứng khoán riêng lẻ.

Hai là tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, về đầu mối quản trị điều hành và quản trị rủi ro, hình thành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 18/NQ-TW về tinh giản tổ chức bộ máy, cắt giảm đầu mối; hiệu quả của mô hình trong giám sát thị trường tại 02 sở giao dịch Hà Nội và Hồ Chí Minh ở có bảo đảm hiệu quả kịp thời.

Các đại biểu thảo luận nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật 

Quy định về thẩm quyền mà dự thảo quy định giao cho Thủ tướng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong quản lý Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, thị trường chứng khoán thì với sự vận hành của mô hình này so với Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước có gì mâu thuẫn chồng chéo trong bổ nhiệm nhân sự, chấp thuận điều lệ.

Với mô hình 4 cấp và giao nhiệm vụ cho từng cơ quan từ Thủ tướng Chính phủ – Bộ tài chính - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thì hoạt động của các sở có chủ động và tăng cường trách nhiệm trong vận hành thị trường. Nhiều chuyên gia đề nghị phải có phương án mới để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tính độc lập hơn, có thẩm quyền hơn, nâng cao hiệu quả quản lý; có ý kiến đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên thuộc Chính phủ thay vì thuộc Bộ Tài chính.

Về quy định quản trị đối với công ty đại chúng có bám sát quy tắc quản trị của OECD như về thị trường giao dịch thâu tóm, quyền sở hữu cho mọi cổ đông, đối xử bình đẳng đối với cổ đông, ngăn cấm giao dịch nội gián và lạm dụng mua bán tư lợi cá nhân, tăng cường kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro.

Về xử phạt hành chính, Dự thảo đề xuất nâng mức xử phạt, các đại biểu đặt vấn đề quy định như vậy liệu có đủ tính răn đe, phù hợp với quy mô thị trường chưa, đề nghị cân nhắc để tránh cào bằng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đặt vấn đề về tiếp cận thông tin, phải hài hòa giữa bảo đảm bí mật thông tin của doanh nghiệp vừa kiểm soát được hành vi vi phạm; sự cần thiết quy định về quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán; thiếu vắng các quy định về Hội nghề nghiệp trong Luật. Đồng thời đề nghị rà soát lại các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm tính cụ thể bởi còn số lượng lớn các quy định giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận nội dung phiên họp

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 tới; sau đó sẽ tiếp tục xin ý kiến và sẽ có phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra chính thức dự án Luật này trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Bảo Yến