Quy định đối với dịch vụ hành nghề kế toán còn nhiều điều chưa hợp lý

11/06/2015

Chiều 10/6, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật kế toán, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về hành nghề dịch vụ kế toán của dự thảo luật chưa phù hợp với thực tế.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán nhằm khắc phục những hạn chế bất cập liên quan đến công tác kế toán, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại biểu Quốc Hội Hoàng Thanh Tùng - Sóc Trăng phát biểu tại Hội trường                                         Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, liên quan đến quy định về hành nghề dịch vụ kế toán, đại biểu Hoàng Thanh Tùng-Sóc Trăng băn khoăn, việc bỏ quy định dịch vụ hành nghề kế toán đối với cá nhân, chỉ giữ lại quy định người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoạt động trong doanh nghiệp liệu có phản ánh tư duy không quản được thì cấm hay không, có phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường khi nhu cầu thuê dịch vụ hành nghề kế toán của các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất lớn.

Quy định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội hành nghề của công dân Việt Nam là những người có chứng chỉ hành nghề kế toán tiêu chuẩn ASEAN khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm 2015, cho phép 8 ngành nghề lao động trong đó có kế toán được tự do di chuyển, công nhận tay nghề tương đương.

Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, đại biểu Hà Sỹ Đồng-Quảng Trị cho rằng, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thì các quy định tại dự thảo đã có những rào cản hạn chế, cần xem xét lại tính hợp lý của quy định này, bởi vì ràng buộc thì có nhưng hiệu quả chưa cao.

Đại biểu cho rằng, Quy định về mức vốn của người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty trách nhiệm 2 thành viên trở lên là không cần thiết, bởi vì việc góp vốn và việc điều hành, quản trị, cũng như thực hiện nghiệm vụ là hoàn toàn khác nhau.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng-Quảng Trị                                                                                                                                    

Về điều kiện để công dân Việt Nam được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán là quá khắt khe và không cần thiết đối với ngành nghề này. Theo đại biểu, việc tốt nghiệp trình độ đại học là không cần thiết mà chỉ cần từ cao đẳng trở lên cũng có thể thực hiện được. Ngoài ra, điều kiện về 3 năm kinh nghiệm là thừa và thực sự khó khăn cho một cá nhân để được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, không nhất thiết phải có quá nhiều kinh nghiệm trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề.

Đồng tình với điều này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - TP Hồ Chí Minh cho rằng, để hành nghề kế toán thì về nghiệp vụ chỉ cần chứng chỉ hành nghề là đủ, về kinh doanh chỉ cần đăng ký kinh doanh là đủ, người hành nghề kế toán phải tuân thủ các điều kiện về hành nghề kế toán, nếu không đủ khi kiểm tra sẽ bị xử lý theo quy định.

Do đó, không cần thiết phải quy định thêm hai thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, nếu thêm hai loại thủ tục trên có thể làm phát sinh thêm cơ chế xin - cho, gây khó khăn cho những người muốn kinh doanh trong các lĩnh vực về kế toán.

Cũng trong phiên thảo luận, các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, nguyên tắc kế toán, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, đối tượng kế toán… được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. 

Đặng Mai