ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT CHI TIÊU THUẾ GÓP PHẦN THỰC HIỆN CẢI CÁCH THUẾ

23/03/2018

Sáng 23/03, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Củng cố nguồn thu nội địa – Một số lựa chọn cho Việt Nam" để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách thuế, quản lý nguồn thu hiệu quả.

Tham dự tọa đàm có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, cùng các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan.

Tọa đàm Củng cố nguồn thu nội địa – Một số lựa chọn cho Việt Nam

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trình bày tham luận và thảo luận về Cải cách thuế tại VN – định hướng chiến lược và các lựa chọn chính sách; bảo vệ cơ sở thuế - đánh giá chi tiêu thuế và rà soát ưu đãi thuế; tăng cường năng lực quản lý thuế - hướng tới mô hình quản lý thuế dựa trên rủi ro tổng thế; quản lý hiệu quả nguồn thu lớn nhất -  Quản lý thuế doanh nghiệp lớn và chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trong bối cảnh thu từ dầu thô giảm, thu từ thương mại giảm do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan mà Việt Nam đã ký kết tại các Hiệp định thương mại sẽ tác động đáng kể đến cơ cấu thu ngân sách nhà nước, trong khi áp lực chi ngân sách vẫn có xu hướng tăng thì các chính sách vẫn cần tiếp tục được sửa đổi bổ sung nhằm hoàn thiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại tọa đàm

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đưa ra mục tiêu từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước và giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế. Đồng thời, Chính phủ hiện nay cũng đã có kế hoạch trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi một số chính sách thuế nhằm cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước, tăng cường hiệu quả trong quản lý thu thuế.

Cùng quan điểm, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, trong 10 năm qua, Việt Nam đã có nhiều tiến triển về chính sách thuế và cải cách quản lý thuế song Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải cách để tiếp tục xử lý các vấn đề cơ cấu và các vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế kỷ nguyên số. Nhấn mạnh cải cách thuế là một nội dung hết sức quan trọng đối với Việt Nam, theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thực hiện cải cách thuế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội Việt Nam đề ra cũng như đảm bảo đầu tư bền vững và tăng trưởng trong tương lai. Nếu không cải cách thì nợ công tiếp tục tăng lên và các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội sẽ bị ảnh hưởng.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách thuế trong giai đoạn hiện nay

Bên cạnh việc đưa ra các khuyến nghị nhằm bảo đảm nguồn thu như đẩy mạnh huy động thu nội địa; mở rộng cơ sở thu thuế giá trị gia tăng, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, bổ sung đối tượng thuế bảo vệ môi trường, các chuyên gia và các đại biểu tán thành với quan điểm đã đến lúc cần có đánh giá toàn diện về chi tiêu thuế ở Việt Nam hiện nay.

Các hình thức chi tiêu thuế được xác định gồm trợ cấp thuế, miễn giảm thuế, ưu đãi thuế xuất, hoãn thuế hoặc giảm trừ thuế. Việc áp dụng các hình thức chi tiêu thuế này nhằm hướng đến các mục tiêu như tạo việc làm, thu hút đầu tư…Tuy nhiên khi áp dụng các hình thức chi tiêu thuế thì thu từ thuế giảm, gây ra áp lực tài khóa tăng cao. Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, không phải lúc nào ưu đãi về thuế cũng là quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó cũng chưa có bằng chứng thực tế về tương quan rõ ràng giữa thuế suất và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khi phí tổn về thu của chi tiêu thuế có thể rất lớn, ảnh hưởng đến ngân sách.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới trao đổi tại tọa đàm

Vấn đề đặt ra là quản lý chi tiêu thuế như thế nào để bảo đảm trách nhiệm tài khóa, giám sát, minh bạch và hiệu quả trong quản lý thuế. Các chuyên gia cho rằng cần có đánh giá về những khoản ưu đãi thuế để làm cơ sở hợp lý hóa các hình thức ưu đãi và miễn giảm. Theo đó, việc rà soát và điều chỉnh hợp lý các quy định ưu đãi thuế là cần thiết nhằm phát huy đúng hiệu quả của các chính sách ưu đãi, tránh ưu đãi không phù hợp, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp mà không làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh chung của Việt Nam.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, thực tế hiện nay nhiều chính sách ưu đãi miễn giảm thuế được thực hiện không đạt được mục tiêu như mong muốn. Vì vậy, đã đến lúc cần có đánh giá toàn diện về chi tiêu thuế ở Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, đây là vấn đề còn tương đối mới ở Việt Nam nên trách nhiệm lập báo cáo của Bộ Tài chính, vai trò giám sát của Ủy ban và sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới là rất quan trọng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Vân Chi đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia về việc xây dựng báo cáo chi tiêu thuế

Đánh giá cao những trao đổi của các chuyên gia về vấn đề chi phí thuế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng, Việt Nam còn rấy thiếu đánh giá toàn diện về các chi phí do miễn giảm thuế, những khoản trợ cấp hỗ trợ mà ngân sách không thu hoặc bỏ qua. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là không có cơ sở đánh giá, xem xét những khoản chi phí lớn mà nhà nước bỏ qua có đạt được mục tiêu đề ra hay không. Thời gian tới cần nghiên túc xem xét vấn đề này để xác định các tiêu chí, xây dựng báo cáo một cách tổng quan, toàn diện, đánh giá được hiệu quả của các chính sách./.

Bảo Yến