Ảnh: Nam Nguyễn
Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) có 7 Chương, 77 Điều, quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.
Luật ngân sách nhà nước quy định: Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của các luật thuế và chế độ thu theo quy định của pháp luật. Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên.
Luật cũng đưa ra một số quy định cấm như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước; cấm thu sai quy định của các luật thuế và các quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; cấm phân chia sai quy định nguồn thu giữa ngân sách các cấp; cấm giữ lại nguồn thu của ngân sách nhà nước sai chế độ; cấm tự đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật; cấm chi không có dự toán, không đúng dự toán ngân sách được giao; cấm chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; cấm tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật; cấm thực hiện vay trái với quy định của pháp luật; cấm vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; cấm sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật...
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)
Về phân cấp, phân quyền trong quyết định ngân sách nhà nước, trong thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị Quốc hội chỉ quyết định tổng mức bội chi Ngân sách nhà nước, mức bội chi Ngân sách Trung ương và tổng số bội chi Ngân sách địa phương, không quyết định mức bội chi cụ thể của từng địa phương mà giao cho Hội đồng nhân dân từng địa phương xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước trình Quốc hội đã quy định Quốc hội quyết định bội chi Ngân sách nhà nước, bao gồm bội chi Ngân sách Trung ương và bội chi Ngân sách địa phương, chi tiết từng địa phương và quyết định nguồn bù đắp bội chi Ngân sách nhà nước.
Quy định này nhằm khống chế mức trần bội chi Ngân sách địa phương hàng năm của từng địa phương, thông qua đó đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản vay của chính quyền từng địa phương. Căn cứ tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân từng địa phương xem xét, quyết định mức bội chi cụ thể ở địa phương mình nhưng không vượt quá mức trần mà Quốc hội đã quyết định. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 19 của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị theo quy định của Hiến pháp 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định về Ngân sách nhà nước, do đó cần rà soát lại để quy định bảo đảm tính hợp hiến; có ý kiến đề nghị xem xét thẩm quyền quyết định tăng thu ngoài dự toán ngân sách.
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Hiến pháp thì quyền quyết định ngân sách thuộc Quốc hội; không có quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, do Quốc hội nước ta chỉ họp 1 năm 2 kỳ, trong khi trên thực tế có những vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình điều hành Ngân sách nhà nước, đòi hỏi phải xử lý kịp thời như: việc tiếp nhận và phân bổ vốn viện trợ, cho ý kiến về số tăng thu ngoài dự toán, điều chỉnh vốn dự toán đã giao cho các bộ, ngành, địa phương,...
Vì vậy, với vị trí là cơ quan thường trực của Quốc hội, việc quy định một số thẩm quyền cho ý kiến và quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ngân sách nhà nước là cần thiết, nhưng phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; đề nghị Quốc hội cho phép quy định như Điều 20 của dự thảo Luật.
Đối với các khoản thu tăng thu ngân sách ngoài dự toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến của đại biểu Quốc hội đã nêu là xác đáng và xin tiếp thu theo hướng: Các khoản tăng thu ngân sách ngoài dự toán sẽ giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ra Nghị quyết về bổ sung dự toán, sau đó mới tiến hành phân bổ theo quy định của pháp luật. Nội dung này cũng được thể hiện tại điểm b, khoản 5 Điều 20 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Luật ngân sách có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017.