Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện chủ động kế hoạch kiểm toán với sự phối hợp, tham gia ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan. Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án tổ chức kiểm toán chi tiết làm cơ sở tổ chức thực hiện, ban hành hướng dẫn mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, nội dung kiểm toán chủ yếu và các đề cương hướng dẫn kiểm toán lĩnh vực mới để thống nhất thực hiện.
Thực hiện kế hoạch kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 50.000 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ 41 văn bản. Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện và chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại hạn chế thông qua các chuyên đề kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng vốn ODA; kiểm toán, đánh giá công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; kiểm toán, đánh giá việc thực hiện một số hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn TP.Hà Nội…
Đặc biệt trong năm 2018, Kiểm toán Việt Nam lần đầu tiên được vinh dự lựa chọn là nước chủ nhà đăng cai Đại hội ASOSAI-14 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19-22/9/2018 với sự tham gia của các đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao đến từ 46 quốc gia thuộc khu vực châu Á. Việc Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai Đại hội ASOSAI-14 và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước khẳng định vị trí vai trò của mình cũng như sự trưởng thành, phát triển, có thể đảm đương tốt các trách nhiệm quốc tế trong cộng đồng ASOSAI.
Bên cạnh những mặt đạt được, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng thẳng thắn chỉ ra rằng chất lượng hoạt động kiểm toán có lúc, có nơi vẫn còn hạn chế, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán còn chậm; việc phát hiện xử lý tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán còn hạn chế…
Cho ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và cho rằng, việc mạnh dạn đổi mới trong tổ chức hoạt động cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã tạo nên những bước chuyển mới, góp phần quan trọng vào kết quả đạt được của Kiểm toán Nhà nước.
Kết quả tổng hợp cho thấy, qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công; các chuyên đề kiểm toán cung cấp nhiều thông tin quan trọng, phục vụ cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình giám sát, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến tài chính, ngân sách.
Ghi nhận kết quả kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước ở mức cao, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho rằng cũng cần lưu ý đến tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán đạt thấp. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cần bám sát, theo đến cùng việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, kiến nghị xử lý đối với những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kịp thời kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để bảo dẩm tính nghiêm minh trong thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân lại cho rằng, thông qua việc thực hiện kế hoạch kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cần tích cực hơn trong việc đưa ra những cảnh báo chính sánh cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, cung cấp thêm thông tin những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, góp phần phục vụ tốt hơn cho hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước bám sát Kế hoạch 07-KH/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp
Về kế hoạch kiểm toán năm 2019, tại phiên họp, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với nguyên tắc, định hướng, mục tiêu, nội dung kiểm toán thể hiện trong báo cáo dự kiến và cho rằng, nhiều nội dung chuyên đề kiểm toán được dự kiến lựa chọn đã cơ bản bám sát định hướng, mục tiêu của Kiểm toán Nhà nước; nhiều chuyên đề được dự kiến kiểm toán với phạm vi rộng nhằm hướng tới mục tiêu đánh giá toàn diện các nội dung được kiểm toán. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang lưu ý rằng, trong bối cảnh hạn chế con người, thời gian thì dự kiến kế hoạch kiểm toán cần tập trung vào các nhiệm vụ cốt yếu là sử dụng nguồn lực công (ngân sách nhà nước), kiểm toán thực hiện chi ngân sách nhà nước; về kiểm toán doanh nghiệp cần quan tâm thêm một số doanh nghiệp chưa thực hiện chuyển giao đại diện quyền chủ sở hữu từ các bộ chủ quản sang Ủy ban quản lý vốn nhà nước, vấn đề sử dụng quỹ phát triển đơn vị sự nghiệp…Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng lưu ý Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán để hạn chế chồng chéo và bổ sung kế hoạch vào cuối năm, đảm bảo các cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết các báo cáo này sẽ được gửi đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tại kỳ họp thứ 6 tới. Vì vậy, trên cơ sở ý kiến tại phiên họp các cơ quan liên quan kịp thời hoàn thiện các báo cáo, trong đó, đề nghị nhấn mạnh nội dung việc thực hiện kết luận kiểm toán, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của người sử dụng ngân sách, tìm ra nguyên nhân của các sai phạm vấn đề ở cơ chế, pháp luật hay do tổ chức thực hiện; tình hình chấp hành kết luận kiểm toán. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước quan tâm đến việc kiểm toán chuyên đề về những vấn đề dư luận bức xúc, đại biểu Quốc hội quan tâm; cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc sửa luật kiểm toán đáp ứng yêu cầu, khẳng định vai trò của kiểm toán và bản thân cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng được kiểm toán để bảo đảm minh bạch trong hoạt động.