CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH LÊ QUANG MẠNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MỞ RỘNG

06/06/2023

Chiều 05/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp mở rộng để cho ý kiến về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

ĐỊNH GIÁ DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH HÀNG KHÔNG NỘI ĐỊA: BẢO ĐẢM CÓ SỰ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC, MANG LẠI LỢI ÍCH TỐT NHẤT CHO NGƯỜI DÂN

ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 14

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hôi; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã cho ý kiến về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nội dung đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 5 về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, cho ý kiến về phương án tiếp thu, giải trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Trước đó Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và hội trường về các nội dung này. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội.  

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi trao đổi về dự thảo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nội dung đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 5 về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15

Về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) để nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và hỗ trợ cho khu vực sản xuất kinh doanh cũng như người dân sau dịch COVID-19. Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng giảm 2% đối với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% theo quy định của Luật thuế GTGT.

Đa số ý kiến nhất trí với mức giảm 2% như đề xuất của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ giảm thuế GTGT đến 4% và áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ để khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Các đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 quá ngắn, chưa đủ để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống, giúp cho doanh nghiệp, người dân có điều kiện để hưởng lợi và phục hồi phát huy được tác dụng. Do đó cần kéo dài thời gian áp dụng chính sách.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Cho ý kiến với phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nội dung này, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 có thể phần nào đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tuy nhiên, bối cảnh đã thay đổi, tác động kích cầu trong năm 2023 sẽ không thể rõ nét như trước. Do vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian tới chủ yếu hướng đến mục tiêu hỗ trợ một phần cho người dân và doanh nghiệp.

Một số ý kiến cũng lưu ý, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá cụ thể và toàn diện tác động của chính sách trong 6 tháng cuối năm, chỉ dựa trên tác động của thực hiện chính sách này trong năm 2022 để đề xuất thực hiện trong thời gian tới. Việc đánh giá tác động của năm 2023 chủ yếu vào các tác động của giảm thuế, chưa đánh giá toàn diện về khả năng kích cầu thực tế trong thời gian tới để tác động trở lại với nền kinh tế và thu ngân sách.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm phát biểu

Tuy nhiên, Chính phủ đã dự kiến thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, nộp ngân sách, điều hành chặt chẽ, tiết kiệm chi ngân sách để thực hiện sát với dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua; đồng thời phấn đấu tăng thu để bù đắp khoản giảm thu do thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.

Do vậy, các ý kiến này tán thành với việc đưa nội dung tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến 31/12/2023 vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 5, song, đề nghị, Chính phủ cần sớm xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện tác động của chính sách này, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá tại Kỳ họp thứ Sáu.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, bối cảnh tình hình hiện nay đã thay đổi, đòi hỏi Chính phủ phải sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về việc chuyển tiếp thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong các tháng cuối năm 2023, góp phần đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống, đến với doanh nghiệp và người dân.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, để cân nhắc thực hiện những đề xuất của đại biểu Quốc hội về mở rộng đối tượng áp dụng, tăng mức giảm thuế giá trị gia tăng và kéo dài thời gian áp dụng, Chính phủ cần xây dựng báo cáo đầy đủ và chi tiết, với những đánh giá định lượng về tác động đến cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Như vậy, Quốc hội sẽ có cơ sở vững chắc để xem xét quyết định tiếp tục thực hiện chính sách này trong thời gian tới.  

Cho ý kiến với phương án tiếp thu, giải trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia, một số đại biểu tán thành với phương án Quốc hội giao Chính phủ phân bổ kế hoạch vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn trao đổi về phương án tiếp thu, giải trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia

Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát danh mục dự án, bảo đảm thời hạn giải ngân vốn theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu Quốc hội giao.

Nhiều đại biểu cũng tán thành với việc thu hồi về dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn lượng vốn của những dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện phân bổ để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương đầu tư công. Mặt khác, những dự án này đến thời điểm hiện nay chưa hoàn thành thủ tục đầu tư sẽ khó có thể hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu

Các đại biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan

Bảo Yến

Các bài viết khác