TẬP HUẤN VỀ THẨM TRA, GIÁM SÁT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI ĐẠI BIỂU HĐND CÁC TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC

27/02/2019

Ngày 27/02, tại Hà Giang, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Viện KAS tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tập huấn về thẩm tra, giám sát ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, phổ biến Luật Ngân sách Nhà nước đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc.

 Tập huấn về thẩm tra, giám sát ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, phổ biến Luật Ngân sách Nhà nước

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp các tỉnh Điện Biên, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang,…đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính ngân sách cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, đối với mọi quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc quản lý, điều hành giám sát sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả luôn là mối quan tâm hàng đầu không chỉ riêng của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý mà còn là sự quan tâm giám sát của các cử tri, nhân dân mà trong đó trọng trách được giao phó cho đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh, để thực hiện tốt các chức năng thẩm tra, giám sát và quyết định ngân sách nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các cơ quan tham mưu phải am hiểu ngân sách nhà nước.

Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua gồm 7 chương 77 Điều có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, đã kế thừa các nội dung của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khắc phục các bất cập của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002. Quá trình triển khai, áp dụng cho thấy nhiều nội dung của Luật đã được hướng dẫn kịp thời song cũng có những nội dung, những quy định mới còn phát sinh vướng mắc, lúng túng. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu tăng cường tập huấn, trao đổi, hướng dẫn để bảo đảm cách hiểu, cách vận dụng thống nhất các quy định của Luật để Luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm việc lập dự toán, chấp hành kiểm toán, quyết toán, thẩm tra giám sát ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng chia sẻ, xuất phát từ yêu cầu đó, được sự phối hợp hỗ trợ của Viện KAS tại Việt Nam, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội quyết định tổ chức Hội thảo tập huấn về thẩm tra, giám sát ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và phổ biến Luật Ngân sách Nhà nước cho các đại biểu Hội đồng nhân dân với mong muốn được trao đổi, củng cố thêm các kỹ năng cần thiết cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ luật định về tài chính, ngân sách.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày tham luận và thảo luận về những nội dung cơ bản của Luật Ngân sách nhà nước 2015, những quy định mới trong quản lý, điều hành; hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực của địa phương; vị trí, chức năng, vai trò của ngân sách địa phương và cơ chế phân cấp ngân sách địa phương; hoạt động thẩm tra, giám sát ngân sách nhà nước trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và một số lưu ý.

 Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn phát biểu chào mừng hội thảo

Qua thảo luận các đại biểu khẳng định, ngân sách nhà nước là vấn đề quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước, không chỉ là nhiệm vụ mà còn là thẩm quyền quan trọng của các cơ quan dân cử nói chung và Hội đồng nhân dân các cấp nói riêng, là một trong những nhân tố quyết định vị thế, vai trò của cơ quan này. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước cũng là vấn đề có tính chuyên môn, nghiệp vụ sâu.

Ghi nhận, những năm qua, công tác quản lý tài chính ngân sách địa phương cũng có những bước chuyển biến tích cực; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương đã phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trình độ quản lý của mỗi cấp trên địa bàn, quản lý tài chính ngân sách chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, công tác quản lsy và khai thác nguồn thu một cách bền vững. Từ đó góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trung ương, bảo đảm sự bền vững của nền tài chính quốc gia, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước và nợ công.

 Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Nguyên Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đức Thụ trình bày tham luận tại Hội thảo

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện pháp luật về ngân sách hàng năm cho thấy, chính sách thu đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, cơ cấu thu chưa thực sự bền vững, các năm gần đây hoàn thành hoặc vượt dự toán thu nhưng chủ yếu thu từ đất, tài nguyên và ngân sách trung ương luôn trong tình trạng hụt thu hoặc hụt thu cân đối. Quản lý thu còn có nơi có chỗ hạn chế, nên chưa khắc phục triệt để tình trạng chuyển giá, trốn lậu thuế; kết quả thanh tra kiểm toán đều kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước tại hầu hết các đơn vị được thanh tra, kiểm toán. Cùng với đó thất thoát lãng phí trong đầu tư chậm được khắc phục.

Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn trong chi ngân sách nhưng cơ cấu lại ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu, 2 trụ cột để cơ cấu lại ngân sách là tinh giản biên chế bộ máy nhà nước và đẩy mạnh tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp lại chậm và lúng túng. Quy mô nợ vẫn lớn tiềm ẩn rủi ro, trả lãi và gốc hàng năm nhiều ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Việc quản lý, sử dụng vốn ODA còn nhiều bất cập từ khâu chuẩn bị dự án đến ký kết, phân giao kế hoạch đến giải ngân, thanh quyết toán.

Đây là những vấn đề mà các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra tại Hội thảo từ đó đặt ra yêu cầu trong việc thẩm tra, giám sát ngân sách nhà nước phải tìm hiểu nguyên nhân, kiến nghị giải pháp phù hợp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm trình bày tham luận

Cùng với đó, các đại biểu cũng chỉ ra đối với ngân sách địa phương có một số đặc thù cần lưu ý đó là ngân sách địa phương là bộ phận cấu thành của ngân sách trung ương. Ngân sách địa phương được phân quyền nhưng phải tuân thủ và có nội dung chịu sự ràng buộc của trung ương. Quá trình thẩm tra, giám sát ngân sách địa phương cũng cần lưu ý mối quan hệ giữa địa phương, luôn phải đặt trong tổng thể chung của cả nước; ngân sách địa phương được bội chi nhưng trung ương giao bội chi; tùy nguồn thu có thể phải điều tiết về trung ương hoặc có thể nhận bổ sung từ trung ương.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, các đại biểu đều ghi nhận những thông tin hữu ích được trao đổi, chia sẻ tại hội thảo, góp phần thiết thực cho các đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ của mình trong quá trình quyết định ngân sách địa phương./.

Bảo Yến