ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH LÊ MINH NAM: TẬP THỂ ỦY BAN VÀ VỤ GIÚP VIỆC ĐÃ LÀM VIỆC KHÔNG QUẢN NGÀY ĐÊM ĐỂ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, TIẾN ĐỘ CÔNG VIỆC

20/01/2023

Nhìn lại năm 2022, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề tài chính, ngân sách với khối lượng lớn hơn rất nhiều so với năm 2021 và thêm nhiều công việc phát sinh, đột xuất, nhiều nội dung khó, phức tạp. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội và tinh thần làm việc tích cực, chủ động, trách nhiệm tập thể Ủy ban...

DẤU ẤN ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH TRONG ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Nhìn lại năm 2022, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề tài chính, ngân sách với khối lượng lớn hơn rất nhiều so với năm 2021 và thêm nhiều công việc phát sinh, đột xuất, nhiều nội dung khó, phức tạp. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội và tinh thần làm việc tích cực, chủ động, trách nhiệm tập thể Ủy ban và Vụ tham mưu, giúp việc. Trong không khí năm mới 2023 và xuân Quý Mão, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Minh Nam đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Minh Nam

Phóng viên: Một trong những nhóm nhiệm vụ thường xuyên của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là thẩm tra các báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; đặc biệt trong năm 2022 có thêm Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023 - 2025. Các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách được các đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao bởi rõ quan điểm, chính kiến, đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng. Xin ông cho biết thêm về những vấn đề này?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Minh Nam: Điểm lại tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022 có thể thấy năm qua nước ta đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 8%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Đây là những thành tích nổi bật, đồng thời là nhân tố quan trọng để đảm bảo thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022 một cách tích cực.

Ngân sách nhà nước năm 2022, thu vượt dự toán mà Quốc hội giao. Điều này thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, qua xem xét kỹ lưỡng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng nhận thấy thực tế còn có những điểm chưa sát thực tiễn, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương có xu hướng giảm do tỉ lệ thu ngân sách trung ương có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Cơ cấu tăng thu chưa thực sự ổn định và bền vững khi phần thu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không đạt dự toán. Đây là những nội dung đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ ra và đề nghị lưu ý trong những năm tiếp theo.

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Về chi ngân sách nhà nước năm 2022 cũng đạt kết quả tích cực, góp phần cho đầu tư tăng trưởng, phát triển và vận hành hệ thống, đặc biệt là thực hiện phòng, chống dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, qua thẩm tra cũng nhận thấy còn có một số vấn đề như giao dự toán chi đầu tư phát triển còn chậm, đặc biệt là ở 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tiến độ giải ngân chi đầu tư công còn hạn chế. Chi thường xuyên đạt kết quả tích cực nhưng vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí như giám sát đã chỉ ra.

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, như đã biết, bối cảnh chung của thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, lạm phát và suy thoái kinh tế có chiều hướng gia tăng tại một số quốc gia, trong đó có những nước đối tác kinh tế lớn đối với Việt Nam. Bối cảnh, tình hình này tác động mạnh đến nước ta khi mà nước ta là nước có độ mở của nền kinh tế lớn trong khi tính tự chủ trong nội tại còn những hạn chế nhất định; cùng với đó là áp lực lạm phát, chi phí đầu vào tăng cao, những vấn đề về nhiên liệu, năng lượng…

Tôi cho rằng những vấn đề này ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tác động đến dự toán ngân sách nhà nước. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải sát sao, quyết liệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực quyết tâm trong triển khai các giải pháp liên quan đến tài chính, ngân sách.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

Tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã trình dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó tổng thu ngân sách nhà nước chỉ tương đương với mức thực hiện của năm 2022. Trong khi chúng ta lại có dự báo năm 2023 tăng trưởng khoảng 6,5%, lạm phát kiểm soát ở mức dưới 4%. Với tốc độ phát triển kinh tế và kiểm soát lạm phát như trên thì dự toán thu do Chính phủ trình còn chưa tương xứng. Đây là vấn đề Chính phủ cần quan tâm, lưu ý. Bởi dự toán thu thấp cũng làm hạn chế dư địa trong điều hành kinh tế, ngân sách, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách. Mặt khác, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều rủi ro như đã nói ở trên thì việc thận trọng cũng là điều cần thiết. Do đó, tôi cho rằng trong quá trình này, Chính phủ cần bám sát điều hành, vận hành, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Cần nói thêm rằng, đã là dự toán thì không thể chính xác hoàn toàn nhưng càng dự báo sát với thực tế sẽ bảo đảm chủ động trong quá trình quản lý điều hành mang lại hiệu quả trong sử dụng tài chính công, tài sản công.

Về kế hoạch tài chính, ngân sách 3 năm 2023-2025 có ý nghĩa tham khảo, là cơ sở cho thực hiện hàng năm, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong điều hành của Chính phủ. Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đưa ra một số kiến nghị cần phải được quan tâm, đặc biệt là việc quản trị các nguồn lực từ quá trình huy động, thu ngân sách, vấn đề sử dụng.

Đại biểu Lê Minh Nam phát biểu tại hội trường

Phóng viên: Như đã đánh giá tình hình của năm 2022, thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên trong và bên ngoài. Ông có thể chia sẻ thêm về bối cảnh ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của Ủy ban nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tài chính, ngân sách nhà nước?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Minh Nam: Không chỉ đối với Ủy ban Tài chính – Ngân sách mà cả Quốc hội đã có một năm 2022 luôn “sáng đèn” để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ bởi bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ thì trong năm qua đã có rất nhiều công việc phát sinh, đột xuất.

Có thể kể đến như việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 đã có rất nhiều công việc liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội…trong đó nhiều nội dung liên quan đến phạm vi lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Trong hoạt động của mình, Ủy ban Tài chính – Ngân sách luôn thực hiện đúng tinh thần đồng hành với Chính phủ trong quá trình thúc đẩy phục phồi và phát triển kinh tế. Hay như việc thẩm tra các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách cho một số địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy phát triển và động lực cho cả vùng, khu vực.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Năm 2022, Ủy ban Tài chính – Ngân sách được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu giúp cho Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là một trong những cuộc giám sát có quy mô lớn. Giám sát này đã mang lại kết quả tích cực không chỉ sau khi giám sát mà ngay trong quá trình giám sát đã tạo ra nhiều chuyển biến, thay đổi. Để có được những kết quả này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tham mưu cho Đoàn giám sát, đồng thời chủ động trong quá trình lên kế hoạch tổ chức triển khai thực các kế hoạch, chương trình giám sát.

Trong năm qua, khối lượng công việc phải giải quyết, xử lý của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là rất lớn, có tính chất quan trọng. Trong khi đó, nhiều tài liệu, văn bản gửi sang Quốc hội, gửi đến Ủy ban còn chậm, mặt khác các tài liệu liên quan đến lĩnh vực của Ủy ban Tài chính – Ngân sách có yếu tố bảo mật cao…Đây là một số điểm ảnh hưởng đến quá trình triển khai công việc.

Khối lượng công việc nhiều, thời gian gấp rút trong khi nhân sự của Ủy ban cũng như Vụ giúp việc còn thiếu thì các đại biểu cùng với cán bộ, công chức của đơn vị đã thường xuyên sáng đèn làm việc ở cơ quan, không quản ngày đêm, không kể ngày nghỉ để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội giao với chất lượng tốt nhất và đúng tiến độ đề ra. Điều này đã thể hiện quyết tâm cao của tập thể Ủy ban Tài chính – Ngân sách để cùng các cơ quan của Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ của năm 2022.

Phóng viên: Trong năm 2022, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã để lại dấu ấn, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Với tư cách là thành viên của Ủy ban và là thành viên tham gia Đoàn giám sát, ông có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm trong quá trình giám sát lần này làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cuộc giám sát tiếp theo?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Minh Nam: Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” là chuyên đề giám sát có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, khối lượng công việc tôi cho là khổng lồ, số lượng các cơ quan đầu mối tham gia giám sát cũng là lớn nhất. Bởi giám sát này yêu cầu tất cả các đơn vị có quản lý tài chính công, tài sản công thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải báo cáo. Các cơ quan này ngoài việc phải báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan mình cũng phải báo cáo tình hình thuộc lĩnh vực mình quản lý. Giám sát lần này cũng huy động sự tham gia giám sát của Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố. Từ đó, giám sát đã bảo đảm được tính toàn diện, tính đồng bộ và xuyên suốt cả về diện và chiều sâu.

Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” khảo sát thực tế 

Kết quả đạt được từ giám sát như đã biết là rất tích cực, ngay trong quá trình tổ chức triển khai. Ngay trong quá trình các đơn vị tự rà soát báo cáo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng đã tự nhận thấy những nội dung chưa thực hiện tốt mà dẫn đến có thể gây lãng phí, thất thoát. Từ đó, các cơ quan có sự chủ động điều chỉnh, khắc phục ngay mà không chờ đến khi giám sát kết thúc. Có thể dẫn chứng trong quá trình giám sát, tại Hà Nội, một số dự án treo, chậm tiến độ, khi được rà soát đã có những giải pháp triển khai tích cực để đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động.

Tôi cho rằng, qua giám sát này, trên cơ sở kết quả đạt được cùng với nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề trong quá trình triển khai có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, một số vấn đề cần tiếp tục được cải thiện như yêu cầu báo cáo quá nhiều thông tin, chủ động trong phối hợp, đề ra các giải pháp, kiến nghị để giải quyết sớm những vướng mắc…Qua tổng kết đánh giá lần giám sát này, chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho các lần giám sát tiếp theo.

Hiện nay, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng có nhiệm vụ là thường trực cho Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” thì Ủy ban đã có kế thừa những kết quả, ưu điểm của Đoàn giám sát trước để vận dụng và nhận định những hạn chế của lần giám sát trước để có điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!

Bảo Yến - Thanh Nga