TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG CỦA TIỂU BAN QUYẾT TOÁN, KIỂM TOÁN NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XIV

17/01/2021

Ngày 15/01, tại tỉnh Kiên Giang, Tiểu ban Quyết toán, Kiểm toán - Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Tiểu ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng chủ trì hội nghị.

 

Dự hội nghị còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm, đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Trần Văn Huynh, Châu Quỳnh Giao; đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang, cùng các đại biểu Quốc hội là thành viên Tiểu ban.

Hội nghị tổng kết hoạt động của Tiểu ban Quyết toán, kiểm toán - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, thực hiện theo kế hoạch tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Tiểu ban trong nhiệm kỳ 2016-2021 theo chức năng nhiệm vụ đã được quy định, tổng kết các kết quả, tồn tại hạn chế và chỉ rõ các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị cho nhiệm kỳ tới. Trong đó, đánh giá chất lượng công tác tham mưu xây dựng các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về các báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước như báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm, báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cho ý kiến về kết hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước, các báo cáo liên quan đến kế toán, kiểm toán, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và báo cáo tài chính nhà nước. Đánh giá chất lượng hoạt động tham mưu giám sát quyết toán ngân sách nhà nước, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, công tác hạch toán kế toán và thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán; kết quả giám sát thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó là đánh giá công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Tiểu ban với các cơ quan hữu quan.

Báo cáo về một số kết quả hoạt động của Tiểu ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho biết trong giai đoạn 2016-2020, Tiểu ban chủ trì thẩm tra 01 dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, đồng thời tích cực cho ý kiến vào các dự án luật khác mà Ủy ban Tài chính – Ngân sách phụ trách chủ trì thẩm tra. Ý kiến thẩm tra của Tiểu ban được các đại biểu Quốc hội đánh giá có tính phản biện sâu sắc, thể hiện rõ chính kiến, phản ánh toán diện trung thực các ý kiến của đại biểu về những vấn đề then chốt của dự án luật.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm báo cáo kết quả hoạt động của Tiểu ban Quyết toán, kiểm toán - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Trong thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, Tiểu ban đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tiện, tài sản nhà nước ở các cấp từ Trung ương đến địa phương như công tác lập, giao dự toán thu/chi ngân sách chưa sát với thực tế, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước và kết dư ngân sách địa phương còn lớn. Nhiều vấn đề lớn đã được phát hiện và kiến nghị trực tiếp để bảo đảm quyết toán ngân sách nhà nước phản ánh đúng bản chất thu  chi trong niên độ, khẳng định rõ việc chấp hành quy định về ngân sách nhà nước.

Đặc biệt trong năm 2019 là năm đầu tiên triển khai lập Báo cáo tái chính nhà nước toàn quốc năm 2018 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). Qua thẩm tra, Tiểu ban đã tham mưu cho Ủy ban kiến nghị Chính phủ đánh giá cụ thể mức độ chính xác, đầy đủ của tài sản nhà nước, sớm ban hành chuẩn mực kế toán công, sửa đổi chế độ kế toán; định kỳ kiểm kê, đánh giá lại tài sản; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác kế toán, lập báo cáo tài chính nhà nước.

Thông qua thẩm tra báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Tiểu ban đã chỉ rõ công tác tuyên truyền giáo dục, công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, việc chấp hành lập, gửi kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện chưa đầy đủ, còn xem nhẹ việc thực hiện Luật…và tham mưu cho Ủy ban có kiến nghị chấn chỉnh, qua đó nâng cao chất lượng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cở các cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Bên cạnh đó, các giám sát thường xuyên về quyết toán ngân sách nhà nước, tình hình thực hành tiết kiệm chống lãng phí, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác phối hợp, hợp tác với các cơ quan hưu quan cũng được được thực hiện một cách chủ động, đúng quy định.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao các kết quả hoạt động của Tiểu ban Quyết toán, Kiểm toán - Ủy ban Tài chính – Ngân sách góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến góp ý về dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động Tiểu ban Quyết toán, kiểm toán - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến chia sẻ với vai trò là thành viên Tiểu ban ghi nhận trong nhiệm kỳ hoạt động của Tiểu ban được triển khai thực hiện sôi nổi, nhiều điểm mới, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số tồn tại hạn chế như việc gửi tài liệu chậm ảnh hưởng rất nhiều đến các thành viên Tiểu ban nghiên cứu thẩm tra do đó cần có kiến nghị các cơ quan hữu quan khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng cho rằng trong giai đoạn tới cần Tiểu ban nói riêng và Ủy ban nói chung cần tăng cường giám sát chuyên đề và hậu giám sát; cần có kế hoạch giám sát chuyên đề hàng năm và tăng cường hậu giám sát thông qua việc yêu cầu gửi báo cáo các nội dung triển khai theo kết luận giám sát hay nghị quyết giám sát. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội cần có chế tài để xử lý khi thực hiện không đúng kết luận giám sát của Quốc hội.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu tại hội nghị

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm cho rằng thông qua việc tham gia hoạt động của Tiểu ban giúp các đại biểu có nhiều thông tin, kỹ năng từ đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ người đại biểu. Song lĩnh vực tài chính, ngân sách là lĩnh vực chuyên môn sâu, do đó, trong thời gian tới, Tiểu ban cần chú trọng tập huấn, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng cho đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực này.

Đại biểu cũng đề nghị, Tiểu ban cần có tham mưu để có kiến nghị với các cơ quan hữu quan như thanh tra tài chính, kiểm toán…khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại các địa phương nên mời đại biểu Quốc hội cùng tham gia để đại biểu nắm được tình hình, đồng thời phát huy vai trò giám sát của người đại biểu; đề xuất có cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước với Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các địa phương. Đại biểu cũng cho rằng, trong giai đoạn tới cần quan tâm hơn đến hoạt động giải trình tại Ủy ban, nhất là công khai minh bạch tài chính quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, thông qua ý kiến của các đại biểu cho thấy kể từ khi có luật ngân sách mới và khi thành lập Ủy ban Tài chính – Ngân sách đến nay đã làm thay đổi nhận thức của đại biểu Quốc hội, nhận thức chung về công tác quyết toán, khắc phục tình trạng dễ dàng đồng thuận cho qua mà thông qua quyết toán có được đánh giá sâu sắc toàn diện cho thấy chu trình ngân sách những con số biết nói rất sinh động, từ đó thấy được những kết quả đạt được trong thu chi, chất lượng hiệu quả điều hành quản lý của thu ch ngân sách, kỷ luật tài chính, chỉ rõ sai phạm lãng phí thất thoát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng khẳng định thông qua thẩm tra, giám sát của Ủy ban Tài chính – Ngân sách mong muốn hoàn thiện pháp luật đồng thời để các điều luật được thực hiện tốt hơn./.

Bảo Yến