Cùng dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ Vi Mạnh Hùng.
Báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 1.1.2015 đến 30.6.2019 cho biết: trong thời gian qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành chức năng, các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí đã có những chương trình hành động cụ thể để ngăn ngừa, đấu tranh, giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em. Tuy nhiên đến nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn có những diễn biến phức tạp. Công tác bảo vệ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Số vụ án về xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Số vụ về xâm hại trẻ em xuất hiện ở nhiều nơi, trong 5 năm có 112 trẻ em bị xâm hại, có 97% số vụ án trẻ em bị xâm hại là đối tượng quen biết với nạn nhân…
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ
Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em, đó là do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự du nhập của lối sống thực dụng, sa đọa, tác động của phim ảnh, bạo lực, tình trạng ly hôn, ly thân đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách trẻ em. Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân và cho trẻ em về chính sách, pháp luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như những vấn đề liên quan đến giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi trẻ em chưa rộng khắp, có nơi còn hạn chế. Công tác phối hợp quản lý giáo dục giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, chính quyền cơ sở trong quản lý, chăm sóc trẻ em ở một số nơi chưa chặt chẽ, còn lỏng lẻo, hiệu quả chưa cao. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng của một số cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng từ cấp tỉnh đến cơ sở chưa thường xuyên…
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em, UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị QH ban hành việc lồng ghép các mục tiêu thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt các quyền được bảo vệ của trẻ em, khi thẩm tra quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các địa phương. Quyết định dành tỷ lệ ngân sách hàng năm phù hợp cho việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chính phủ chỉ đạo bố trí ngân sách hàng năm của bộ, ngành, địa phương để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em thuộc trách nhiệm của Luật Trẻ em quy định. Đồng thời, cần sớm đưa chương trình giáo dục vấn đề xâm hại tình dục, giáo dục giới tính theo từng cấp độ bậc học vào nhà trường cho phù hợp…
Đoàn giám sát của QH ghi nhận, báo cáo của địa phương đã cung cấp nhiều thông tin, số liệu, đánh giá về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh, thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá nhiều hạn chế, tồn tại trong các mặt công tác. Trong 5 năm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 112 trẻ em bị xâm hại, tuy nhiên do tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục là tội phạm ẩn, nạn nhân và người nhà thường có tâm lý che giấu. Câu hỏi đặt ra là: Với số vụ được phát hiện đã phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn hay chưa? Với 97% số trẻ em bị xâm hại bởi người thân quen thì công tác truyền thông trong thời gian tới cần có biện pháp gì?...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát Lê Thị Nga ghi nhận những kết quả đã đạt được của UBND tỉnh trong thực hiện chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, tỉnh quan tâm ban hành các văn bản thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em kịp thời. Công tác tuyên tuyền khá phong phú, nhiều cách làm mới, tiến hành nhiều cuộc thanh tra, giám sát… tuy nhiên, chưa có thanh tra chuyên đề về nội dung này. Chủ nhiệm Uỷ ban Lê Thị Nga đề nghị HĐND tỉnh nên có giám sát chuyên đề về vấn đề này.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Trưởng đoàn Lê Thị Nga đề nghị tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa, có kế hoạch triển khai thực hiện Luật Trẻ em. Đồng thời, cần có văn bản của cấp ủy để triển khai thực hiện những kiến nghị của Đoàn giám sát.