Bảo đảm tranh tụng-bảo đảm lẽ công bằng

16/06/2015

Tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) ngày 15/6, đa số đại biểu cho rằng, việc dự thảo luật quy định nguyên tắc đảm bảo tranh tụng (Điều 25) là một điểm tiến bộ trong tố tụng dân sự.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, đây là nguyên tắc rất quan trọng, cần thiết phải quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và cho rằng, nguyên tắc tranh tụng đã được thể hiện tương đối đầy đủ, rõ ràng trong dự thảo Bộ luật, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013, phù hợp Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, thể hiện được sự kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn với tố tụng tranh tụng.

Đại biểu Nguyễn Trọng Trường-Bắc Ninh                                                                                                 Ảnh: Đình Nam

Thể hiện sự đồng tình cao với việc dự thảo luật lần này đã quy định rõ về đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, đại biểu Nguyễn Trọng Trường-Bắc Ninh cho rằng, dự thảo Luật đã cụ thể hóa Khoản 4, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; đồng thời thể hiện được tinh thần của Nghị quyết số 8 ngày 2 tháng 1 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong giai thời gian tới. Dự thảo Luật đã nêu rõ: việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ.

Đại biểu Đặng Công Lý-Bình Định phân tích, tranh tụng là hoạt động tố tụng được tiến hành tại phiên tòa xét xử, được thực hiện bởi các bên tham gia tố tụng, có quyền bình đẳng với nhau trong việc thu thập, đưa ra các chứng cứ để nhằm bảo vệ ý kiến, luận điểm của mỗi bên và bác bỏ ý kiến luận điểm của phía bên kia dưới sự điều khiển của thẩm phán phân công thụ lý giải quyết vụ án.

Từ thực tiễn xét xử của tòa án, nguyên tắc tranh tụng không đồng nhất với việc thay thế hoàn toàn mô hình tố tụng thẩm vấn sang mô hình tranh tụng mà vẫn xét hỏi kết hợp giữa tố tụng và tranh tụng. Đại biểu, Đặng Công Lý đề nghị, cần phải tiếp thu có chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng, tranh tụng phù hợp với điều kiện xét xử hiện nay, nhằm làm cho tố tụng dân sự bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị trong thủ tục tố tụng dân sự thì nguyên tắc chung cần được thể hiện ngay từ khi thụ lý vụ án đến khi kết thúc việc xét xử để duy trì những nội dung hợp lý của mô hình tố tụng dân sự. Phải xác định rõ trách nhiệm chứng minh thuộc các bên tham gia tố tụng, tức là nguyên đơn và bị đơn. Tòa chỉ có nghĩa vụ thu thập chứng cứ và xét hỏi khi cần thiết, trong quá trình tố tụng, chứng cứ đều được công khai.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh-Bình Thuận                                                                                                                           

Đại biểu Ngô Đức Mạnh-Bình Thuận cũng cho rằng, vấn đề tranh tụng là một điểm mới trong dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), vì thế cần phải làm rõ một số vấn đề như: tranh tụng khác với tranh luận và trình bày ý kiến tại tòa là như thế nào, khi nào thì bắt đầu tranh tụng, vai trò của Thẩm phán để bảo đảm và giữ được không khí tranh luận tích cực vì lẽ công bằng…

Cũng đồng tình với việc dự thảo luật đã quy định về nguyên tắc đảm bảo tranh tụng, tuy nhiên đại biểu Trần Tiến Dũng-Hà Tĩnh đề nghị cơ quan trình dự án tiếp tục nghiên cứu để có các quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục tranh tụng, cách điều hành tranh tụng của tòa án. Làm sao các quy định trong tố tụng dân sự sẽ tạo ra sự kết nối liên hoàn giữa tranh tụng xét hỏi và quy định của trách nhiệm về chủ tọa phiên tòa. Làm cho tranh tụng tôn trọng ý kiến của các bên một cách dân chủ, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử quyết định bản án đúng chính sách pháp luật.

Hồ Hương