Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi khẳng định, thanh niên Việt Nam là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Nhà nước ta đã và đang hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Qua 9 năm triển khai thực hiện, Luật thanh niên và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò và tiềm năng của lực lượng thanh niên trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò của các tổ chức thanh niên được nâng lên; thanh niên được quan tâm, tạo điều kiện thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình…
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhấn mạnh, mục đích của phiên giải trình hôm nay nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật thanh niên; đồng thời, đề xuất các giải pháp nâng cao công tác này trong thời gian tới.
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã chất vấn để làm rõ những bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh niên; việc theo dõi, giám sát công tác thanh niên và chính sách cho nhóm thanh niên Việt Nam ở nước ngoài
Đã có sự phối hợp tốt trong công tác giám sát, kiểm tra
Hiện nay, Bộ Nội Vụ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia về thanh niên là 3 cơ quan làm chức năng theo dõi, giám sát, kiểm tra về công tác thanh niên. Nhiều đại biểu e ngại rằng, cùng một lúc mà có tới 3 cơ quan, tổ chức làm công tác này liệu thì có dễ bỏ sót nhiệm vụ, bỏ sót các văn bản, hoặc dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp không.
Trả lời các đại biểu về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, sở dĩ hiện nay cùng một lúc có tới 3 cơ quan làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát, kiểm tra công tác thanh niên là do chúng ta chưa kịp sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên và Nghị định 120 cho phù hợp với tình hình thực tiễn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng giải thích, tại thời điểm năm 2006, Bộ Nội vụ chưa được chính thức giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về vấn đề thanh niên. Ngay cả khi Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2007/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên vào năm 2007 cũng không quy định cụ thể cơ quan giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Thanh niên. Trong khoản 1 Điều 20 của Nghị định chỉ giao cho Bộ Nội vụ nhiệm vụ tuyển dụng, quản lý chính sách ưu đãi đối với thanh niên có thời hạn. Cho đến năm 2008, tại Nghị định số 48/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ, giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên cho Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, thời kỳ này, Bộ cũng chưa thành lập được bộ máy chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên cho đến năm 2010.
Do đó, trong thời gian vừa qua 3 cơ quan luôn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ cùng thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó, Bộ Nội Vụ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị có chức năng tập hợp thanh niên; Ủy ban Quốc gia về thanh niên đóng vai trò là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên.
Cần quan tâm nhóm thanh niên Việt nam ở nước ngoài
Tại phiên giải trình, các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến nhóm thanh niên đặc thù, đó là nhóm thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Các đại biểu cho biết, qua các chuyến công tác, làm việc với các Đại sứ quán của chúng ta ở nước ngoài cho thấy, đối tượng thanh niên Việt Nam tại nước ngoài chưa được quan tâm nhiều, trong khi đây là lực lượng đặc biệt quan trọng trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam ra quốc tế. Các đại biểu cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có một văn bản nào quan tâm đến đối tượng này ngoài hệ thống của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài; công tác quản lý nhà nước đối với nhóm thanh niên này chưa được thiết lập.
Giải trình trước Ủy ban về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, có 5 nhóm thanh niên đặc thù đều đã được đã được nhà nước quan tâm, nhận các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đã được nhắc đến trong báo cáo, gồm có nhóm: thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; thanh niên có tài năng; thanh niên vùng dân tộc thiểu số; thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo; thanh niên di cư ở các thành phố lớn, khu công nghiệp.
Cụ thể, nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đối với thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, cả nước đã có 25 tổng đội thanh niên xung phong phát triển kinh tế; ban hành nhiều chính sách cấp học bổng, đào tạo cho thanh niên có tài năng, thanh niên dân tộc thiểu số; ban hành các chính sách hỗ trợ kinh phí học nghề, miễn giảm đóng góp, tạo việc làm cho nhóm thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo…
Ngoài 5 nhóm thanh niên kể trên, nhóm thanh niên Việt Nam ở nước ngoài chưa hề được quy định trong Luật thanh niên lẫn trong Nghị định 120. Thứ trưởng bày tỏ băn khoăn, trong trường hợp mà Luật chưa quy định thì có được phép mở rộng đối tượng sau Luật không? Thứ trưởng cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật Thanh niên cũng như Nghị định 120 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Kết thúc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi đánh giá phiên giải trình đã diễn ra khẩn trương, tích cực, với tinh thần dân chủ nghiêm túc; lãnh đạo các bộ, ngành đã giải trình thẳng thắn với tinh thần cầu thị, góp phần làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm, nhận rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý nhà nước và những vấn đề có liên quan.
Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội và nội dung giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đề nghị Chính phủ và các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan tiếp tục ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Luật Thanh niên; nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện dự án Luật Thanh niên và Nghị định 120 trình Quốc hội trong thời gian tới; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thanh niên bảo đảm nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, dự án chiến lược về thanh niên đã ban hành; sớm ban hành bộ chỉ số thống kê và cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh niên Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách đối với thanh niên.