Đoàn công tác khảo sát tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Ảnh: Bích Diệp)
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có trên 300 lễ hội, đủ các loại hình. Đánh giá chung cho thấy, các lễ hội và hoạt động tín ngưỡng đầu Xuân trên địa bàn tỉnh từng bước được tổ chức chu đáo, phát huy được các giá trị truyền thống đồng thời tiếp thu và vận dụng những giá trị mới của thời đại. Hầu hết chính quyền địa phương các cấp đã kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban quản lý di tích nơi có các lễ hội; các địa phương chuẩn bị chu đáo kế hoạch, nội dung, chương trình, kịch bản lễ hội, xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hướng dẫn khách thập phương đến hành lễ. Nhiều cấp chính quyền địa phương, ban tổ chức lễ hội quan tâm tuyên truyền, từng bước làm chuyển biến nhận thức của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh, nội quy, quy chế của ban tổ chức khi tham gia lễ hội; ý thức của người tham gia lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực…
Để nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức lễ hội, Thanh Hóa kiến nghị cần sớm có văn bản quy định thống nhất quản lý sử dụng nguồn tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng thờ tự trên toàn quốc; ban hành văn bản liên ngành giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Tôn giáo Chính phủ về quy định bổ nhiệm sư trụ trì, trách nhiệm của sư trụ trì trong việc tham gia quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lễ hội tại địa phương; đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác quản lý và tổ chức lễ hội cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở...
Đoàn khảo sát đánh giá cao cố gắng của địa phương trong công tác quản lý và tổ chức, bảo đảm các lễ hội và hoạt động tín ngưỡng đầu Xuân trên địa bàn đi vào nền nếp, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong lễ hội, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống… Tuy nhiên, Đoàn khảo sát cũng đề nghị địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân trong quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội; giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tâm linh và khai thác dịch vụ trong tổ chức lễ hội, trong đó cần lưu ý phân định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của Ban quản lý di tích với cơ quan quản lý nhà nước và các cá nhân là thủ nhang, trụ trì đền, chùa… Bên cạnh đó, Đoàn khảo sát cũng lưu ý địa phương có kế hoạch kiểm kê, quy hoạch di tích, lễ hội, bảo đảm tôn trọng yếu tố nguyên gốc của di sản…
+ Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, Am Tiên - Núi Nưa.