Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, toàn Tỉnh hiện có 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua, Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đối với lĩnh vực việc làm và đào tạo nguồn nhân lực như: quy định về mức học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà ở các cấp học và giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới. Đặc biệt là từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp ban hành đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục nghề nghiệp, nhiều mô hình đào tạo liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo yêu cầu đạt hiệu quả cao. Tính riêng từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đào tạo hơn 53.500 người có trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng, góp phần tạo việc làm cho người lao động.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát mong muốn tỉnh Bạc Liêu cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách giáo dục nghề nghiệp; việc tuyển sinh ngành, nghề đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp; rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở dạy nghề và cần quy hoạch mạng lưới dạy nghề gắn với sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng nhấn mạnh: "Về việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực của Tỉnh, tôi cho rằng phải xác định trọng tâm phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương để tránh việc đầu tư dàn trãi phải tạo thương hiệu cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp."
Đoàn giám sát cũng kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương cần phải có cơ chế chính sách đặc thù trong công tác giáo dục nghề nghiệp cho từng địa phương cho các vùng kinh tế khó khăn, vùng thường xuyên ảnh hưởng của thiên tai để tạo nguồn nhân lực có chất lượng góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.