ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH QUẢNG NAM

31/07/2019

Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, chiều ngày 31/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh được quy hoạch bố trí từ đồng bằng đến miền núi, đa dạng về trình độ và ngành nghề đào tạo, thuận lợi cho người lao động tham gia học tập và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn có 37 cơ sở GDNN và cơ sở có đăng ký tham gia hoạt động GDNN. Riêng về cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh, hiện có 10 đơn vị, gồm 3 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 3 trung tâm.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có đăng ký tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2018, tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp khoảng gần 360 tỷ đồng; tổng số cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hơn 1500 người. Tổng số lao động tuyển sinh học nghề giai đoạn 2016 - 2018 là gần 107.000 người, tổng số lao động tốt nghiệp trong giai đoạn này đạt hơn 93.000 người. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh chủ yếu phát triển theo chiều rộng, ngành nghề đào tạo còn tràn lan, chưa phải là thế mạnh đào tạo ở mỗi cơ sở. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trình độ cao đẳng và trung cấp, có tình trạng chồng chéo trong công tác tuyển sinh. Đầu tư cơ sở vật chất ở nhiều trường còn thiếu đồng bộ, đội ngũ nhà giáo có tỷ lệ đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn thấp.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Tỉnh Quảng Nam kiến nghị với Đoàn giám sát nghiên cứu điều chỉnh những khó khăn vướng mắc trong chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp như cần quy định một điểm sàn vào đại học hợp lý để bảo đảm chất lượng, tăng cường phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp. Đề nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách nội trú đối với học sinh sinh viên trung cấp cao đẳng theo hướng tất cả học sinh sinh viên người dân tộc thiểu số trú tại địa bàn miền núi được hưởng chính sách nội trú. Tỉnh Quảng Nam cũng băn khoăn về việc liên thông giữa trung cấp, cao đẳng với đại học.

Ông Nguyễn Thuỳ - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Có nhiều trường đại học chưa chấp nhận kết quả đào tạo của các trường cao đẳng, cho nên là việc liên thông là không được, mà đại học thì bên Bộ Giáo dục và Đào tạo là chủ quản. Đây là một cái khó mặc dù Thủ tướng chính phủ đã có quyết định 18 rất cụ thể. Cái này phải đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có quan điểm thống nhất về vấn đề này, đề nghị Đoàn giám sát lưu ý."

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách pháp luật của tỉnh về giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên còn băn khoăn về tình trạng năm sau tuyển sinh ít hơn năm trước; có những ngành nghề không tuyển sinh, không có trường cao đẳng nào trên địa bàn đào tạo về kinh tế du lịch để đảm bảo nguồn nhân lực về du lịch của tỉnh. Đoàn giám sát lưu ý địa phương cần có chính sách cụ thể để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như mở trường, tạo cơ hội thực tập, học nghề, hướng dẫn nghề, theo quy định của luật giáo dục nghề nghiệp. Công tác phân luồng học sinh của tỉnh còn gặp khó khăn, chưa quyết liệt, vấn đề dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa được chú trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh: "Ví dụ vấn đề dạy văn hóa nếu có vấp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì nguyên tắc đã có rồi nhưng nhiều khi nếu trong phạm vi của tỉnh giải quyết thì giải quyết ngay. Vì rõ ràng bây giờ Luật đã cho phép là dạy nghề có học thêm chương trình phổ thông để các em tốt nghiệp xong các em có chứng nhận. Một mặt ở cấp trung ương một mặt ở địa phương, chúng ta phải cùng giải quyết vấn đề này."

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ tiếp thu, ghi nhận các ý kiến kiến nghị của tỉnh; tổng hợp vào báo cáo giám sát chung để báo cáo Quốc hội./.

Nguyễn Hùng