Toàn cảnh buổi làm việc
Theo số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2017, toàn quốc đã khởi tố 1214 vụ/ 1156 bị can về các tội liên quan đến xâm hại trẻ em như: giao cấu với trẻ em (885 vụ/782 bị can); tội dâm ô với trẻ em (306 vụ/280 bị can). Năm 2018, toàn quốc đã khởi tố 1350 vụ/1311 bị can về các tội liên quan đến xâm hại trẻ em như: Tội giết con mới đẻ (16 vụ); hiếp dâm trẻ em (419 vụ); cưỡng dâm trẻ em (04 vụ); mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em (26 vụ); giao cấu với trẻ em (663 vụ)…Năm 2018, Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã truy tố 1227 vụ/1314 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 1213 vụ/1303 bị cáo về các tội có liên quan đến xâm hại trẻ em.
Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về xâm hại trẻ em hoặc đối tượng phạm tội là người chưa thành niên, Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Công an chủ động nắm tình hình, tiếp nhận, phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến trẻ em; kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố, điều tra những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm về xâm hại trẻ em theo đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Trong các vụ việc này đều chú trọng phân công Kiểm sát viên có năng lực, trình độ, hiểu biết về tâm lý trẻ em, có kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ việc có liên quan đến trẻ em.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu
Để bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em theo Luật Trẻ em, trong các vụ án hình sự có liên quan đến trẻ em, Viện Kiểm sát Nhân dân đều nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, theo sát quá trình điều tra, qua đó, bảo vệ quyền lợi của bị cáo là trẻ em phạm tội và trừng trị nghiêm kẻ phạm tội trong trường hợp bị hại là trẻ em.
Nhìn chung, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc liên quan đến trẻ em, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật (BLTTHS, BLHS và các đạo luật có liên quan); phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến trẻ em; tích cực chủ trì, phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nêu trên vẫn còn tồn tại, hạn chế là chưa xử lý được tất cả các vụ việc xâm hại trẻ em đã phát hiện hoặc kéo dài thời gian giải quyết. Nguyên nhân do nhiều trường hợp người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ tố giác muộn, không cung cấp đủ thông tin về tội phạm, dấu vết tội phạm không còn hoặc không đủ giá trị chứng minh. Ngoài ra, việc xác định tuổi của bị hại cũng gặp khó khăn do không đăng ký khai sinh, không có tài liệu xác định thời điểm sinh, kết quả giám định tuổi mâu thuẫn,…Có trường hợp khi phát hiện hoặc tiếp nhận vụ việc không đúng thẩm quyền nhưng cấp cơ sở (xã/huyện) vẫn giữ xác minh, một thời gian sau mới chuyển lên cấp trên thì dấu vết tội phạm đã không còn hoặc chứng cứ không thể thu thập được, từ đó, kéo dài thời gian giải quyết hoặc không chứng minh được tội phạm. Việc tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám dấu vết trên cơ thể nạn nhân, thu giữ mẫu vật không kịp thời. Đặc biệt, trong các vụ việc xâm hại trẻ em, việc lấy lời khai ban đầu thường không khách quan, không chính xác, bị hại thay đổi lời khai; không có nhân chứng trực tiếp; người bị hại còn nhỏ, bị nhiều người xâm hại… Một số quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau mà đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, đến nay chưa có quy trình thống nhất liên ngành về can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại từ khâu tiếp nhận thông tin, xác định nhu cầu can thiệp đến khâu kiểm tra, đánh giá giám sát. Đồng thời, hệ thống văn bản hướng dẫn BLTTHS, BLHS chưa được ban hành đầy đủ, do đó, chưa bảo vệ hiệu quả quyền lợi chính đáng của trẻ em trong quá trình tố tụng.
Các đại biểu tại buổi làm việc
Về phía Tòa án nhân dân tối cao, trong 2 năm 2017- 2018, Tòa án nhân dân tối cao các cấp đã thụ lý sơ thẩm 2.829 vụ với 3.035 bị cáo phạm các tội về xâm hại trẻ em; đã giải quyết , xét xử 2.693 vụ với 2.898 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,5% số vụ và số bị cáo. Về cơ bản, việc giải quyết, xét xét các vụ án xâm hại trẻ em trong thời gian qua được Tòa án khẩn trương xét xử, giải quyết, bảo vệ kịp thời quyền lợi trẻ em. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo bảo đảm đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Trong quá trình giải quyết, xét xét các vụ án có liên quan đến trẻ em, các Tòa án luôn bám sát các nguyên tắc về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, bảo về quyền và lợi ích của trẻ em nói riêng theo đúng tinh thần của Luật Trẻ em; Luật Phòng chống mua bán người; pháp luật hôn nhân và gia đình; pháp luật về bình đẳng giới; pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có liên quan.
Qua nghiên cứu báo cáo của các đơn vị tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần bổ sung kinh phí phục vụ cho việc quản lý, phối hợp các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em của các bộ, ngành liên quan (hoạt động thanh tra, kiểm tra, xây dựng báo cáo về quyền trẻ em, quản lý hồ sơ lưu trữ); nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí về năng lực, trình độ công chức thuộc ngành Tòa án, Viện kiểm sát, Công an làm công tác liên quan đến trẻ em và chính sách, chế độ đãi ngộ đội ngũ này. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao cũng cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn quy định của BLHS về các tội danh xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong giải đáp vướng mắc để thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án, vụ việc có liên quan đến trẻ em.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh ghi nhận sự cố gắng và những kết quả đã đạt được của các đơn vị. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh nhấn mạnh, để chuẩn bị tham mưu cho Quốc hội về hoạt động giám sát tối cao về công tác trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng trong thời gian tới, đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát để chuẩn hóa các số liệu cũng như các nội dung đề cập trong báo cáo./.