ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

04/10/2019

Ngày 03/10, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, làm Trưởng đoàn, đã có cuộc làm việc với UBND Tp.Cần Thơ về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND TP Cần Thơ cho biết, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra 170 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó chỉ có một em là nam. Hầu hết các nạn nhân đều bị xâm hại tình dục, có một trẻ bị mua bán và một trẻ bị bỏ rơi. Đối tượng xâm hại các em chủ yếu là người quen, trong đó có 5 người là ruột thịt. Nhìn chung các đối tượng xâm hại trẻ em thiếu hiểu biết về pháp luật, không việc làm ổn định, nghiện rượu, sử dụng chất kích thích, ăn chơi, đua đòi thường xuyên tiếp cận với văn hóa phẩm đồi trụy.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi giám sát

Trước thực tiễn tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng diễn biến phức tạp cả về quy mô và cách thức, thời gian qua TP Cần Thơ đã triển khai các chương trình bảo vệ trẻ em như: Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Chương trình  phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; triển khai phổ biến Luật Trẻ em. Cần Thơ còn ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em hàng năm.

Cần Thơ đã chỉ đạo in và phát hành 10.000 cuốn Luật Trẻ em, 50.000 tờ rơi liên quan đến trẻ em bị xâm hại, bạo lực và tai nạn thương tích; dựng hàng nghìn panô các loại có nội dung tuyên truyền về phòng, ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em và giới thiệu về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhằm tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Cần Thơ cũng đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được triển khai rộng khắp. Các phương pháp truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa hiệu quả, cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp xã, phường hấu hết là kiêm nhiệm, năng lực còn hạn chế. Quy định về các hình thức xâm hại chưa thật cụ thể, rõ ràng dẫn đến còn nhiều cách hiểu khác nhau, việc bố trí nhà tạm lánh cho trẻ em bị xâm hại trên địa bàn còn hạn chế, sân chơi cho các em cũng còn thiếu.

 Tại cuộc làm viêc, đại diện UBND TP Cần Thơ kiến nghị, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em. Phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về bảo vệ trẻ em, bao gồm khảo sát, nghiên cứu cập nhật tình trạng, nguyên nhân bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Chính phủ đưa chương trình bảo vệ trẻ em là chương trình mục tiêu tạo điều kiện phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, trong đó chú trọng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cộng tác viên có trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

 Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ cụ thể để thực hiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật liên quan trong xử lý nguồn tin về tội phạm, thu thập chứng cứ, về trưng cầu giám định, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và kiểm sát việc phát hiện, xử lý các tội phạm về xâm hại trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung. Liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều của Bộ luật Hình sự quy định về xâm hại trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung, hướng dẫn về “hành vi quan hệ tình dục khác”, đặc biệt là hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội đối với tội dâm ô người dưới 16 tuổi. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình đánh giá cao công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Cần Thơ; cho rằng, tình hình phòng ngừa trẻ em bị xâm hại trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến, đem lại hiệu quả thiết thực, ngăn chặn kịp thời nhiều hành vi vi phạm, hạn chế hậu quả, tác hại xấu xảy ra.

Chủ nhiệm UB Phan Thanh Bình nhận định: tỷ lệ xâm hại trẻ em ở Cần Thơ là 0.6‰, tức là khoảng 2.000 trẻ em có 1 em bị xâm hại, trong khi tỷ lệ chung của Việt Nam hiện nay là 1‰. Con số này cho thấy Cần Thơ đang kiềm chế tốt tệ nạn này. Tuy nhiên, báo cáo của TP chưa nêu rõ các nạn nhân này nằm trong nhóm dân tộc nào trong 26 dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn. Hơn nữa, xâm hại trẻ em không chỉ là tình dục (168 em, chỉ giám định 29 trường hợp?) mà còn là bóc lột sức lao động, bạo hành về lời nói và hành động.


Toàn cảnh buổi làm việc 

Chủ nhiệm UB Phan Thanh Bình nhấn mạnh: TP cần chú trọng tuyên truyền song hành với biện pháp răn đe. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý nhà nước các cấp trong bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em. Thường xuyên phổ biến những phương thức, thủ đoạn phạm tội và các vụ việc xảy ra để người dân nâng cao ý thức phòng ngừa, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, mua bán trẻ em. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kịp thời tiếp nhận, xử lý những thông tin liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục. Khi có các vụ việc xâm hại tình dục xảy ra phải nhanh chóng khám nghiệm để kịp thời ghi nhận các dấu vết tại hiện trường phục vụ công tác điều tra xử lý.

+ Trước đó, Đoàn giám sát của QH đã làm việc với UBND quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; khảo sát, làm việc tại Trung tâm công tác xã hội TP Cần Thơ.

Đoàn giám sát đã gửi tặng 20 thùng sữa do Công ty Vinamilk tài trợ cho trẻ em bị xâm hại trên địa bàn; trao tặng 10 triệu đồng cho 5 em bị xâm hại có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam./.

(Vũ Châu - Báo Đại biểu nhân dân)