ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TẠI ĐÀ NẴNG

02/08/2019

Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, ngày 02/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Chủ nhiệm Phan Thanh Bình làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 20 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác với tổng quy mô tuyển sinh đào tạo là hơn 52.000 học viên với 260 ngành nghề đào tạo ở các trình độ khác nhau, trong đó nhóm nghề thương mại dịch vụ chiếm 66,07%. Công tác đào tạo nghề luôn được các cơ sở quan tâm chủ động đổi mới, cập nhật những nội dung, phương pháp đào tạo mới…

Tuy nhiên, hoạt động giáo dục nghề nghiệp của thành phố Đà Nẵng vẫn còn gặp những khó khăn vướng mắc. Chính sách phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông vào học nghề còn hạn chế, công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh học nghề hiện nay chưa đủ mạnh để chuyển biến nhận thức của người dân. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về quyền lợi của mình trong việc tham gia đào tạo nghề nên chưa có sự gắn kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo. Vấn đề đào tạo để xuất khẩu lao động của các trường giáo dục nghề nghiệp cũng có một số vướng mắc.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho biết: "Về xuất khẩu lao động, đào tạo về định hướng thì dễ, nhưng đào tạo ngoại ngữ rất khó, vì theo tiêu chuẩn sát hoạch và tùy theo cấp độ sát hoạch để người ta tiếp nhận "

Đại diện UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cần tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền phổ biến Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn của Chính Phủ, bộ ngành trên địa bàn thành phố. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quan tâm hỗ trợ xây dựng trường cao đẳng nghề Đà Nẵng theo chuẩn quốc tế và là đầu tàu trong đào tạo các nghề kỹ thuật và dịch vụ cho miền Trung Tây Nguyên. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần cung cấp thông tin danh mục các trường thuộc các nước ASEAN +4 và nhóm G20 để giúp Đà Nẵng chủ động xúc tiến và mời gọi liên kết đào tạo lao động có tay nghề. Cần sớm ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho tất cả các ngành nghề, mở rộng đánh giá kỹ năng nghề cho giáo viên, người lao động.

Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách pháp luật của thành phố về giáo dục nghề nghiệp. Đoàn cũng lưu ý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có chính sách quan tâm đến các ngành mũi nhọn trọng điểm của thành phố gắn với kinh tế địa phương, có chính sách phù hợp đối với các ngành văn hóa nghệ thuật, năng khiếu, thể thao, khoa học sức khỏe. Theo Đoàn giám sát, giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là hệ thống thống nhất, tuy nhiên các trường giáo dục nghề nghiệp gặp khó trong tuyển sinh mà nguyên nhân là do tiếp cận vào trung học cơ sở và trung học phổ thông rất khó, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chia sẻ: "Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống thống nhất, chứ không phải bữa nay làm về giáo dục nghề nghiệp là chỉ giáo dục nghề nghiệp, phải đặt trong tổng thể hệ thống giáo dục quốc dân. Từ dưới lên trên, chúng ta liên thông như thế nào thì phải đánh giá kỹ".

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình tiếp thu, ghi nhận các ý kiến kiến nghị của thành phố, đồng thời tổng hợp vào báo cáo giám sát chung để báo cáo Quốc hội./.

Nguyễn Hùng