Toàn cảnh tọa đàm
Tham dự hội nghị có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); cùng đông đảo các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực trẻ em.
Trước đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức khảo sát trực tiếp tại Ủy ban Quốc gia về trẻ em và một số bộ, ngành, cơ quan trung ương để nghe về việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em 2016. Theo Báo cáo về một số kểt quả bước đầu đợt khảo sát về việc thực hiện Luật Trẻ em 2016, qua hơn 02 năm thực hiện Luật Trẻ em 2016, Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Luật, cụ thể hóa những quy định của Luật thành các nghị định, thông tư, quyết định, tạo hành lang, pháp lý thống nhất cho công tác bảo vệ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tăng cường, góp phần nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em…
Đại biểu phát biểu tại tọa đàm
Tuy vậy, hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em nói chung, về bảo vệ trẻ em nói riêng, vẫn còn các khoảng trống như thiếu quy trình tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em kịp thời; việc nhận diện những vấn đề mới về trẻ em trong pháp luật còn thiếu cụ thể; việc xây dựng chính sách đối với một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn chậm và chưa đồng bộ. Việc nâng cao nhận thức về Luật Trẻ em, cập nhật nhiều điểm mới của Luật chưa được quan tâm, chưa thực sự tạo ảnh hưởng tốt trong cộng đồng xã hội, còn nhiều phụ huynh chưa hiểu biết về quyền trẻ em và trách nhiệm của gia đình, có nhiều trẻ em chưa nắm được quyền và bổn phận của mình theo Luật định.
Bên cạnh đó, việc thực hiện trách nhiệm được giao của một số bộ, ngành, cơ quan liên quan còn thiếu cụ thể, chi tiết và chậm triển khai. Kinh phí dành cho công tác bảo vệ trẻ em vừa thiếu vừa chưa bám nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, đặc biệt ở cấp xã và cấp thôn bản không được quan tâm, đầu tư. Vì vậy, 11 nhiệm vụ của “người làm công tác trẻ em cấp xã” quy định tại Điều 53 và Điều 72 trong Luật Trẻ em sẽ khó đáp ứng yêu cầu đặt ra...
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trẻ em; nâng cao nhận thức, năng lực và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện quyền trẻ em; tăng cường giám sát thực thi các chính sách pháp luật có liên quan đến trẻ em. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao chất lượng hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là các vấn đề “nóng” của trẻ em... tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Nam, thời gian tới, chúng ta cần chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, xử lý, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong môi trường giáo dục; cập nhật kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em cho giáo viên, trong đó có kiến thức kỹ năng thực hành phương pháp kỷ luật tích cực, giáo dục không có bạo lực đối với học sinh; tăng cường hỗ trợ tâm lý, tham vấn học đường; tăng cường phối hợp, kết nối giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường với cơ quan công an, cơ quan của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc phát hiện, xử lý, hỗ trợ vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong học đường.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý xác đáng của các đại biểu tại tọa đàm; cho rằng đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo kết quả khảo sát về việc thực hiện Luật Trẻ em 2016 đạt chất lượng tốt nhất./.