HỘI THẢO “PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC”

13/01/2020

Sáng ngày 13/01, tại Hà Nội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tổ chức hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục”. Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực trẻ em.

Buổi sáng, hội thảo tập trung thảo luận về chủ đề “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng”.

Việt Nam tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù sự xuất hiện của internet ở Việt Nam chậm hơn so với khởi đầu của thế giới khoảng chừng 7-8 năm và chậm hơn so với một số nước trong khu vực khoảng 3-4 năm, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới.

Theo tài liệu của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, từ 3,1 triệu người dùng năm 2003, tính đến tháng 6/2019 có 64.541.344 người sử dụng internet. Hiện nay, Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu. Hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-24.

Trẻ em đứng trước nguy cơ bị xâm hại

Hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng nhưng đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng. Trong đó là những ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi/quay/chụp lại và phát tán hoặc livestream; trẻ em tiếp xúc với nội dung bạo lực/nhạy cảm; tiếp xúc nội dung xúi giục tự tử và hành vi tiêu cực khác trên môi trường mạng; các hành vi bắt nạt trực tuyến; nhắn tin liên quan đến tình dục…

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng với những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại, trong khi đó việc xây dựng, cải thiện môi trường mạng an toàn đối với trẻ em chưa được đầu tư thích đáng.

Pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đồng bộ

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ. Chưa có các văn bản quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; chưa có cơ chế thu thập, giám sát dữ liệu, báo cáo và chuyển tuyến, thông qua các đường dây nóng nhằm báo cáo các tài liệu trực tuyến bị nghi ngờ là bất hợp pháp, bao gồm cả các tài liệu xâm hại tình dục trẻ em’ quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bi xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa cụ thể, rõ ràng.

Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh không có thời gian và đầy đủ kiến thức cần thiết về công nghệ thông tin, hiểu biết tối thiểu về công cụ tra cứu internet, mạng xã hội… để hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em biết cách sử dụng mạng an toàn.

Các chương trình giáo dục của nhà trường mới dừng lại ở mức phổ cập tin học căn bản, chưa trang bị kiến thức tự bảo vệ cho học sinh khi tham gia môi trường mạng. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ mạng chưa được thống nhất cụ thể về biện pháp và vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, do vậy, các biện pháp cải thiện môi trường mạng an toàn cho trẻ em còn thiếu.

Các giải pháp trong thời gian tới

Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trên môi trường mạng, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần rà soát, bổ sung quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, cần phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì ở Trung ương để quản lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng nhằm điều phối các bộ, ngành và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng quy trình phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; nghiên cứu, xây dựng chiến lược/ đề án về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của trẻ em (bắt buộc sử dụng các cài đặt riêng tư mặc định và công nghệ xác thực độ tuổi trong việc thu thập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ các dữ liệu cá nhân thu thập từ trẻ em; thiết lập một cơ chế dễ tiếp cận để yêu cầu xóa bỏ các dữ liệu cá nhân mà một người cung cấp khi còn là trẻ em; cho phép các cơ quan có thẩm quyền có quyền được ra lệnh gỡ bỏ những hình ảnh nhạy cảm của trẻ em được đăng tải mà chưa có sự đồng thuận).

Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu

Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em. Thực hiện các cài đặt riêng tư mặc định để thu thập, xử lý, lưu trữ, buôn bán và công bố các dữ liệu cá nhân của trẻ em và áp dụng công nghệ xác thực độ tuổi để bảo đảm tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu đối với trẻ em, hạn chế truy cập những nội dung, tài liệu chỉ dành cho những người thành niên. Thực hiện phân loại các nội dung trên mạng bao gồm: các trò chơi trực tuyến, các ứng dụng, trang web và video...

Theo đại diện Cục Trẻ em, chúng ta cần nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em và khả năng thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng (bao gồm cả kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng); xây dựng công cụ, phương tiện để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; giám sát, thu thập, phân tích, cảnh báo nguy cơ, mã độc sự cố tấn công mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em; xử lý, khắc phục tấn công mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em; thanh tra, kiểm tra, điều tra và xử lý kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đóng góp giải pháp trong thời gian tới, đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp cụ thể ngăn chặn các hình ảnh, video clip quảng cáo có nội dung không lành mạnh trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, đề nghị Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền Thông có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin ở mức độ phù hợp cho tổ chức Đoàn khi có sự việc xâm hại trẻ em xảy ra để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có điều kiện tham gia tốt hơn trong các hoạt động bảo vệ trẻ em, cùng với các ngành, các cấp có liên quan hỗ trợ trẻ em bị tai nạn, thương tích, nạn nhân của xâm hại.

Phát biểu kết thúc nội dung hội thảo, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là một vấn đề phức tạp. Qua khảo sát thực tế ở một số địa phương cho thấy, vấn đề này có khuynh hướng phát triển, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, các ý kiến của các đại biểu tại hội thảo sẽ giúp Đoàn Giám sát có những đánh giá đa chiều vấn đề này, chúng ta không nên từ chối mặt tích cực mà mạng xã hội mang đến, không lên án mạng xã hội, mà cần cần nhìn nhận đúng mặt tích cực của nó. Bên cạnh đó, phát triển bản lĩnh, khả năng bảo vệ và cơ chế bảo vệ trẻ em khỏi mặt tiêu cực của mạng xã hội./.

Buổi chiều, hội thảo tiếp tục với chủ đề “Phòng, chống xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục”./.

Thu Phương