Cùng đi có các đồng chí: Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội); Đỗ Thị Việt Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo Vụ Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT).
Làm việc với đoàn có đồng chí Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và một số huyện, TP.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì buổi giám sát.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) tập trung ở huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang và TP Bắc Giang. Trong đó có 5 KCN đang hoạt động và 3 KCN đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tỉnh Bắc Giang có 366 cơ sở giáo dục mầm non ở các KCN (108 cơ sở công lập và 258 cơ sở ngoài công lập). Các cơ sở này bảo đảm về cơ sở vật chất, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 91,8%. Hơn 6,5 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang làm việc. Tỷ lệ giáo viên đứng lớp là 1,86 giáo viên/lớp.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát đã đề nghị tỉnh Bắc Giang quan tâm hơn nữa đến đội ngũ nhà giáo bậc mầm non trong bối cảnh thiếu giáo viên, áp lực số lượng học sinh tăng cao ở các cơ sở giáo dục trong KCN.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, UBND tỉnh Bắc Giang cần đẩy nhanh triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ cán bộ, giáo viên mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đồng chí Hoàng Thị Hoa nêu ý kiến, trước thực tế tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) ra lớp thấp (19%), chủ yếu học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong khi các trường mầm non công lập đều không đón trẻ trong độ tuổi nhà trẻ do chưa đủ năng lực về cơ sở vật chất trường, lớp học và nhân lực dẫn đến công nhân gặp khó khi gửi con. Đồng chí đề nghị tỉnh Bắc Giang có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm trẻ này được vào học các cơ sở giáo dục công lập.
Đồng chí Mai Sơn tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát.
Tiếp thu ý kiến trao đổi của đoàn giám sát, đồng chí Mai Sơn khẳng định nhiều năm qua, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm chăm lo đầu tư phát triển sự nghiệp GD&ĐT; ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch phát triển GD&ĐT theo lộ trình đổi mới.
Bắc Giang tập trung thu hút người lao động vào làm việc. Để bảo đảm nhu cầu gửi con của công nhân, trên địa bàn các KCN tỉnh Bắc Giang hiện có 14 trường mầm non tư thục đang hoạt động và có 10 dự án xây dựng trường mầm non tư thục đã được chấp thuận đầu tư, đang xây dựng.
Gần đây chỉ tiêu biên chế giáo viên giao cho Bắc Giang có hạn và tiếp tục cắt giảm theo chủ trương tinh giản biên chế. Trong khi số lượng học sinh ngày càng tăng, các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ đủ năng lực ưu tiên đón trẻ từ 3 tuổi trở lên ra lớp. Riêng đối với nhóm trẻ dưới 3 tuổi, Bắc Giang huy động nguồn lực xã hội hóa theo hướng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập để đón trẻ vào học. Bên cạnh đó, một số trường công lập mở thêm dịch vụ đón trẻ sau 17 giờ hằng ngày phục vụ thuận tiện cho công nhân tăng ca, làm thêm giờ.
Thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập mua bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi trả cho giáo viên mầm non tiền trông trẻ ngoài giờ.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa kết luận tại buổi giám sát.
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao việc thực hiện các chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại KCN và ghi nhận thành tựu trong lĩnh vực giáo dục mà Bắc Giang đạt được trong thời gian qua. Tỉnh Bắc Giang cũng là điểm sáng phát triển công nghiệp, thu hút phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm bền vững cho đông đảo người lao động. Tuy nhiên, giống như các địa phương có nhiều KCN, Bắc Giang đang phải đối mặt với áp lực gia tăng dân số cơ học, khó khăn trong việc đầu tư các nguồn lực phục vụ công tác giáo dục, thiếu giáo viên mầm non.
Đồng chí đề nghị tỉnh Bắc Giang cần xây dựng chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non KCN và tiếp tục triển khai thực các chính sách pháp luật liên quan đến giáo dục mầm non KCN đồng bộ, hiệu quả. Trong đó chú trọng đến các giải pháp nâng cao tỷ lệ thu hút trẻ dưới 3 tuổi ra lớp; đầu tư xây dựng trường, lớp, khu vui chơi giải trí trong các KCN.
Kết quả của đợt giám sát sẽ là căn cứ thực tế quan trọng để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có những tham mưu, đề xuất phù hợp với Quốc hội về các chính sách liên quan đến giáo dục mầm non ở KCN, khu chế xuất. Từ đó Quốc hội sẽ xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phát triển, phát huy hiệu quả bậc học này.