PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC VẬN HÀNH THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO ĐÁP ỨNG NHU CẦU HƯỞNG THỤ NGÀY CÀNG PHONG PHÚ, ĐA DẠNG CỦA NHÂN DÂN
Toàn cảnh Phiên giải trình
Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động, tích cực thực hiện chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, hoạt động giải trình về các vấn đề quan trọng, bức xúc, nổi lên trong đời sống xã hội được cử tri, Nhân dân và dư luận quan tâm. Những kết quả đạt được qua công tác giám sát, hoạt động giải trình không chỉ giúp Ủy ban hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao mà góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật và đưa chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách vào cuộc sống.
Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng và thực tế hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao; căn cứ sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề xuất và được lãnh đạo Quốc hội đồng ý chủ trương tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2023”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng
Mục đích của Phiên giải trình nhằm đánh giá tình hình thực tế ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật; đồng thời, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở Trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu tham gia, hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao của Nhân dân.
Để chuẩn bị cho Phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã ban hành kế hoạch, tiến hành khảo sát thực tế, làm việc với Ủy ban nhân dân 04 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; nghiên cứu báo cáo của 03 Bộ, 20 địa phương; tổ chức làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tọa đàm tham vấn chuyên gia về tình hình ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao...
Kết quả khảo sát thực tế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 – 2023 của Ủy ban cho thấy, việc xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên chính sách xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
Các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại Phiên giải trình
Trong những năm qua, việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành văn hóa đã góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao trong thực tiễn. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và các chiến lược, đề án, quy hoạch đã giúp nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, công trình thi đấu, luyện tập thể thao... có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại ở các tỉnh/thành phố và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị và cơ bản đáp ứng nhu cầu về văn hóa, thể thao của Nhân dân.
Cơ bản đã hình thành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao theo nhiều cấp độ từ Trung ương đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người dân, có hướng phục vụ theo đối tượng: thanh niên, trẻ em, công nhân…, từng bước góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, hoạt động văn hóa, thể thao tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng đề ra trong các chiến lược và quy hoạch chưa đạt được. Việc triển khai đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa quốc gia (cấp vùng, liên vùng, liên tỉnh) còn chậm; nhiều công trình thuộc mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia quan trọng chưa được bố trí đủ diện tích đất, chưa được nâng cấp, xây dựng mới. Một số thiết chế văn hóa ở Trung ương diện tích chưa đạt chuẩn, cơ sở vật chất, trang thiết bị phần lớn đã xuống cấp, lạc hậu, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng và xu hướng phát triển của thời đại...
Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều thiết chế văn hóa, thể thao ở trung ương và địa phương cũng còn hạn chế. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trong thời gian qua còn không ít vướng mắc, bất cập, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, phân tán, chưa đồng bộ. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vận hành thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng...
Từ thực tế đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, thể thao và bối cảnh mới.
Đồng thời, đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, thể thao theo mục tiêu được đề ra tại Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 và các chương trình, đề án, quy hoạch; mức chi ngân sách nhà nước cho đầu tư trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao Trung ương và cơ sở; tăng cường nguồn vốn ngân sách đầu tư của nhà nước cho hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương xứng với vai trò của thiết chế văn hóa, thể thao trong đời sống Nhân dân.
Đại diện các bộ, ngành tại Phiên giải trình
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các dự án, đề án... về phát triển văn hóa, thể thao. Tăng chi ngân sách nhà nước (cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) cho phát triển văn hóa, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; quan tâm, tập trung đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm, xứng tầm với công cuộc Đổi mới của đất nước; tiếp tục chỉ đạo đổi mới cơ chế, triển khai các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao; tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp bảo trợ, tài trợ cho thiết chế văn hóa, thể thao…
Các địa phương tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, bố trí đất, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích, quy mô, thiết bị và phù hợp với văn hóa, điều kiện thực tế, bảo đảm quyền tiếp cận và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân.
Đặc biệt, kiện toàn củng cố tổ chức, biên chế, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các thiết chế văn hóa, thể thao đủ năng lực, chủ động, sáng tạo, nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của từng đối tượng, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần xứng đáng trong việc tuyên truyền, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; tăng cường xã hội hóa, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh đối với các thiết chế văn hóa, thể thao.../.
Một số hình ảnh tại Phiên giải trình:
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên giải trình
Các đại biểu tại Phiên giải trình