Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

18/11/2024

Tiếp tục chương trình giám sát năm 2024, chiều 18/11, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật các lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng Đoàn giám sát; Bí thư Thành ủy, Trường đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu đồng chủ trì cuộc làm việc.

Hải Phòng - Điểm sáng về phát triển văn hóa, giáo dục

Trước đó, ngày 15/11, Đoàn giám sát đã làm việc với các sở, ngành liên quan (Văn hóa - Thể thao, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Thành Đoàn); Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Ngô Quyền, Trường Cao đẳng Hàng Hải I, Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng, Làng Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, Tổng đội Thanh niên xung phong.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc

Qua nghiên cứu báo cáo và làm việc với các cơ quan, đơn vị, Đoàn giám sát nhận thấy hệ thống văn bản về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, thanh niên và trẻ em cơ bản đã được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành kịp thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đúng thẩm quyền, có tính khả thi, phù hợp thực tế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều chính sách tiên phong trong phát triển giáo dục - đào tạo

Về kết quả cụ thể, Đoàn giám sát đánh giá mạng lưới cơ sở giáo dục - đào tạo của Hải Phòng đa dạng, có đủ các loại hình, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố. Đáng chú ý, Hải Phòng có nhiều chính sách phát triển giáo dục - đào tạo. Đây là địa phương tiên phong cả nước thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho học sinh bậc học mầm non, trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021; hỗ trợ học phí cho học sinh trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022 (trong đó có cả học sinh ngoài công lập), với mức chi mỗi năm khoảng 400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là cơ chế, chính sách phát hiện, đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thành phố Hải Phòng. Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước dạy tiếng Hàn Quốc là môn ngoại ngữ 1, 2 trong trường phổ thông.

Thành phố cũng có chính sách xã hội hóa, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố. Trong 3 năm gần đây đã thu hút được một số dự án đầu tư vào trường mầm non, phổ thông tư thục, trường quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài, như: Trường THCS&THPT FPT, Trường TH, THCS, THPT Alpha; Dự án thành lập Trường TH, THCS quốc tế Singapore, Dự án thành lập trường Mầm non quốc tế Kinderworld...

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại cuộc làm việc

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhận thấy, tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh khiến công tác dự báo, xây dựng quy hoạch, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho giáo dục, đào tạo chưa kịp thời, chưa theo kịp sự phát triển chung của thành phố.

Ở tất cả các bậc học, cấp học, còn tình trạng thiếu giáo viên. Tính đến tháng 10.2024 Hải Phòng thiếu 984 giáo viên. Trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hải Phòng có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, chủ yếu là thiếu giáo viên các môn mới, môn tích hợp, môn tự chọn: Tin học, ngoại ngữ; Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa thay mặt Đoàn giám sát trình bày một số đánh giá ban đầu và những vấn đề đặt ra của Đoàn giám sát

Vấn đề thiếu quỹ đất cho giáo dục, thiếu trang thiết bị dạy học chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là ở khu vực đô thị đông dân cư. Công tác sáp nhập trường học được chú trọng triển khai, đem lại hiệu quả tích cực, nhưng cũng làm phát sinh một số bất cập, như: một số trường đã đạt chuẩn quốc gia, sau khi sáp nhập thành nhiều khu trường không bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, dẫn đến mất tiêu chuẩn là trường chuẩn quốc gia; công tác quản lý và tổ chức các hoạt động chuyên môn gặp khó khăn hơn…

Tập trung đầu tư các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm

Đối với lĩnh vực văn hóa, Hải Phòng đã nghiêm túc triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Hàng năm, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, xác định cụ thể các nội dung, quy mô, thời gian, đơn vị chủ trì… để các địa phương, đơn vị chủ động phối hợp triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng quan tâm đến chiến lược của Hải Phòng trong đào tạo lao động trình độ cao chuẩn bị cho thời đại của trí tuệ nhân tạo

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm. Thành phố đã bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, hỗ trợ trang thiết bị và sắp xếp, củng cố, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã, thôn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Về thể dục thể thao, thành phố đã bố trí kinh phí, đầu tư xây dựng một số công trình thể thao hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn thi đấu trong nước và quốc tế (Nhà thi đấu đa năng - Khu liên hợp thể thao thành phố, Sân vận động Lạch Tray, Bể bơi Lạch Tray, Khu Huấn luyện Đua thuyền thành phố), đủ khả năng đăng cai tổ chức một số giải thi đấu thể thao cấp châu lục.

Thể thao thành tích cao của Hải Phòng có những thành tích khả quan đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam. Thành phố đã xác định được các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm để tập trung đầu tư, gồm: Thể dục dụng cụ, Vật, Cử tạ, Đua thuyền, Bắn cung, Điền kinh, Bơi, Boxing, Bắn súng, Đấu kiếm, Thể dục Aerobic, Nhảy cầu, Bóng chuyền bãi biển, Pencak Silat và Bóng đá.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn được thành phố thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng

Thành phố đã có những chính sách xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong phát triển thể dục, thể thao, như Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 22/3/2024 ban hành danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi xã hội hóa và quy định mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại khu vực đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trong đó có lĩnh vực thể dục thể thao. Trong đó, miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án đối với Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp (Bóng đá), tại Khu vực I, II.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Phạm Quốc Hiệu phát biểu

Việc khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, tài trợ cho sự nghiệp thể dục, thể thao bước đầu đã đạt được kết quả tích cực ở một số môn như: một số môn Võ, Quần vợt, Thể hình, Bóng đá, Billiard Snooker, Golf, Dance sport, Bowling.

Tuy vậy, một số xã, phường chưa quy hoạch đất cho thể dục, thể thao; ngân sách đầu tư cho thể thao còn nhiều khó khăn; thiếu hụt lực lượng kế cận. Một số môn thành phố có thế mạnh (như bắn súng) nhưng nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất rất lớn, thiết bị tập luyện, thi đấu có giá thành cao…

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực

Đoàn giám sát đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư, bảo đảm các điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Ưu tiên quỹ đất cho giáo dục - đào tạo; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Về văn hóa, ưu tiên cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó chú trọng hơn đến tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm phát huy tối đa tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hóa, nghệ thuật, truyền dạy di sản trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Hải Phòng; tập trung thu hút đầu tư phát triển mạnh sản phẩm du lịch biển. Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tế địa phương...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hải Phòng trong duy trì mức tăng trưởng hai con số ấn tượng suốt 9 năm qua; qua đó tạo bứt phá cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, thanh niên và trẻ em trên địa bàn.

Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, bảo đảm mức chi ngân sách cho các lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục có chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh bảo tồn, còn phải chú trọng phát huy giá trị di sản văn hóa, biến các giá trị văn hóa thành sản phẩm, dịch vụ, tạo ra nguồn thu. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Hải Phòng nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với đặc thù và tiềm năng của Thành phố. “Muốn phát triển công nghiệp văn hóa, quan trọng nhất là phải có đội ngũ nhân lực giỏi”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh lưu ý.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)