ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP.HẢI PHÒNG

24/04/2024

Sáng 24/4, Đoàn công tác thuộc Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TẠI HẢI PHÒNG

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: LẮNG NGHE TIẾNG NÓI TỪ CƠ SỞ

Đoàn công tác thuộc Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng

Tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Tuấn Anh; Ủy viên Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng Bùi Văn Kiệm; đại diện một số vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các ban, ngành và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng Bùi Văn Kiệm cho biết, trong giai đoạn 2018 – 2023, Sở đã tham mưu Thành phố ban hành 10 nghị quyết và đang chủ trì xây dựng 1 Đề án về chế độ, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp của ngành. Nổi bật là một số cơ chế, chính sách nổi trội, đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thiết thực như: đãi ngộ trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, tuyển chọn đội ngũ giáo viên giỏi trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; chế độ chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong trường mầm non; chính sách hỗ trợ học phí...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng Bùi Văn Kiệm báo cáo tại buổi làm việc

Tính đến hết ngày 31/12/2023, có 638 đơn vị; giảm 62 đơn vị so với năm 2015; giảm 59 đơn vị so với năm 2017; giảm 54 đơn vị so với năm 2021. Về kết quả cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, đã có 22 trường học liên cấp “tiểu học, trung học cơ sở; 28 trường liên xã. Đồng thời, hợp nhất Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật Tổng hợp hướng nghiệp Hải Phòng và Trường Trung cấp Nghiệp vụ và Công nghệ Hải Phòng thành Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp và Bồi dưỡng nhà giáo Hải Phòng; sáp nhập Trung tâm Tin học vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng.

Năm 2023, Sở được giao 25.229 biên chế và 1.273 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ, trong đó trung học phổ thông và các đơn vị trực thuộc Sở được giao 2.923 biên chế và 289 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ. Như vậy, giai đoạn 2015 – 2023, các trường trung học phổ thông và đơn vị trực thuộc Sở đã giảm 200 biên chế.

Các thành viên Đoàn công tác 

Tuy nhiên, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn bất cập, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo chưa chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học giữa các cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa thiếu giữa các địa phương. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức cho phát triển giáo dục đào tạo; nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.

Qua đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Nhà giáo nhằm nâng cao, vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác ghi nhận giai đoạn 2018 – 2023 ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã quán triệt, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nghiêm túc, trách nhiệm và đạt được những kết quả nổi bật. 

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị báo cáo cần thể hiện rõ nét hơn cơ sở, căn cứ tổ chức triển khai thực hiện sáp nhập các cơ sở giáo dục khi hiện nay có nhiều đơn vị liên xã còn sáp nhập một cách cơ học, số lượng học sinh vẫn giữ nguyên tại các điểm trường cũ để không bị xáo trộn việc học tập nhưng lực lượng giáo viên vừa giảm vừa phát sinh nhiều nhiệm vụ. Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng chất lượng dạy và học có bị thay đổi khi sáp nhập hai cơ sở, công tác quản lý giáo viên và học sinh có khó khăn nhiều hay không.

Ủy viên Ủy ban Xã hội  Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc

Một số đại biểu đề nghị báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo cần nêu rõ hơn về chất lượng và sự công bằng về cung cấp dịch vụ công giữa khối công lập và ngoài công lập.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng ghi nhận các kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hải Phòng; cho biết, Đoàn công tác sẽ tiếp thu, nghiên cứu và có báo cáo gửi Đoàn giám sát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu kết luận buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị trong báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo cần nêu rõ hơn nữa khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn khi sáp nhập các đơn vị; trách nhiệm của địa phương đến đâu, xác định phương hướng nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh thời gian tới như thế nào. Đồng thời, cần cân đối hơn mục đích, yêu cầu, các chủ trương của Trung ương về đổi mới hệ thống và quản lý, nếu sắp xếp rồi nhưng vẫn vận hành theo cơ chế cũ, định mức kinh tế kỹ thuật cũ thì vẫn chưa thành công; cùng đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập./.

Bảo Yến

Các bài viết khác