Tham vấn các chuyên gia nhằm xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Báo chí

17/07/2015

Ngày 16/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Báo chí với sự tham dự của các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí nhằm góp ý, xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Báo chí.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng GS Đào Trọng Thi cho biết, theo thực tiễn hoạt động báo chí, hiện nhiều quy định của Luật Báo chí đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đặc biệt, khi Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định quyền tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của công dân, được nhà nước tôn trọng và bảo hộ, chỉ bị hạn chế trong trường hợp vì quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng thì cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, góp ý về dự thảo Luật. PGS T.S Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần bổ sung Chương V với tên gọi: “Sản phẩm báo chí, in, phát hành báo in, truyền dẫn, phát sóng” nhằm quy định rõ hơn về các loại hình sản phẩm báo chí; quyền và điều kiện được phép in, phát hành sản phẩm báo chí. Đặc biệt, cần có chương riêng về nhà báo nhằm quy định rõ ràng, đầy đủ hơn về điều kiện được hành nghề, quyền và nghĩa vụ của nhà báo…

Đại diện cơ quan báo chí, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ Đỗ Văn Dũng chia sẻ, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi cũng cần quan tâm đến sự liên kết của các cơ quan báo chí hơn là các cơ quan báo chí dựa vào Quỹ hỗ trợ báo chí của Nhà nước. Cần nêu cao trách nhiệm của Hội Nhà báo cùng Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các sai phạm của báo chí, tạo môi trường báo chí hoạt động hiệu quả.

Theo Viện trưởng Viện Quản trị doanh nghiệp TS Mai Thu, dự thảo Luật Báo chí cần có quy định rõ ràng và khung pháp lý về tôn chỉ mục đích của từng tờ báo, định hướng phát triển và bảo vệ sản phẩm báo chí cho từng tờ báo. Từ đó, phân định thị trường, xác định sản phẩm báo chí chuyên nghiệp có tính chính trị, tính thời sự, tính khoa học, tính nhân văn và đặc biệt có tính định hướng và phổ biến kiến thức, giáo dục đạo đức văn hóa cho cộng đồng bạn đọc.

Liên quan đến vấn đề này, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không cần thiết ban hành đạo luật riêng để điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin tổng hợp, trang mạng cá nhân, thông tin điện tử tổng hợp mà chỉ điều chỉnh bằng các luật hiện có như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ…

Được ban hành từ năm 1989 và được sửa đổi, bổ sung năm 1999 nhưng đến nay, Luật Báo chí đang đứng trước sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, loại hình và chất lượng, đặc biệt trước làn sóng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, viễn thông, Luật Báo chí đã không bao quát được đầy đủ hoạt động thuộc lĩnh vực quan trọng này.

Dự thảo Luật Báo chí đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10.

Theo TTXVN