THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VH, GD, TN, TN & NĐ HỌP PHIÊN MỞ RỘNG VỀ DỰ THẢO LUẬT THƯ VIỆN

01/03/2019

Để chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự án Luật Thư viện dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 32, sáng ngày 01/3, Thường trực Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ tổ chức phiên họp mở rộng về dự án Luật Thư viện. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Hội đồng dân tộc; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện.

Báo cáo về tình hình triển khai xây dựng dự án Luật Thư viện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật gồm đại diện của các bộ, ngành có liên quan. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã làm việc, thảo luận, xây dựng, hoàn thiện dự án Luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá thi hành Pháp lệnh, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, tọa đàm, trao đổi để lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia về thông tin thư viện, chuyên gia về pháp luật trong nước, nước ngoài về mục tiêu, quan điểm và những định hướng lớn trong dự án Luật; chủ động tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu những nội dung chính, những điểm mới, những vấn đề quan trọng của dự án Luật trên phương tiện truyền thông…

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức khảo sát trong nước  và nước ngoài , nghiên cứu, biên dịch tài liệu quốc tế liên quan đến pháp luật về thư viện của một số nước, nhất là các nước có điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam. Dự án Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ thông qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2019.

Dự thảo Luật Thư viện có bố cục gồm 7 Chương, 51 Điều quy định về về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; xếp hạng, đánh giá hiệu quả hoạt động và quản lý nhà nước về thư viện. Dự thảo Luật chỉnh lý, sửa đổi bổ sung 19 điều, quy định mới 32 điều so với Pháp lệnh và các quy định hiện hành; bám sát 06 chính sách và 07 giải pháp được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Để góp phần cung cấp thông tin và luận cứ cho việc xây dựng dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Ban soạn thảo đã nghiên cứu và có báo cáo về các kinh nghiệm quốc tế. Báo cáo tập trung cung cấp kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề liên quan đến: vai trò của thư viện, thiết lập, quản lý mạng lưới thư viện (công lập, ngoài công lập) và chính sách phát triển thư viện bao gồm chính sách đầu tư, hỗ trợ và xã hội hóa ở một số nước châu Âu, một số bang của Hoa Kỳ và một số nước châu Á có điều kiện gần với Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá, hồ sơ Dự án Luật Thư viện đã được chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ, quy trình xây dựng văn bản và việc xin ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cho biết, việc gửi hồ sơ dự án Luật còn chậm so với quy định, ảnh hưởng đến tiến độ công tác thẩm tra của Ủy ban. 

Bên cạnh đó, bố cục của Dự thảo luật còn chưa hợp lý: nội dung còn nặng về quản lý nhà nước, số điều về quản lý nhà nước còn nằm rải rác ở nhiều chương, số điều quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện quá nhiều so với kết cấu chung với nội dung trùng lắp. Trong khi đó, một số nội dung quy định chưa rõ, như: quy định chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thư viện; quy định về thư viện số, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện ngoài công lập, thư viện trường học; xếp hạng thư viện. Một số nội dung về: chức năng, nhiệm vụ của thư viện, tiêu chuẩn người làm công tác thư viện, tiêu chuẩn lãnh đạo thư viện chưa được điều chỉnh. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại bố cục của dự thảo Luật để khắc phục sự bất hợp lý này.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Ngô Thị Minh phát biểu tại phiên họp

Về quyền và nghĩa vụ của các thư viện không phải là thư viện quốc gia (các điều từ 24 đến 31), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, dự thảo Luật quy định quá chi tiết và trùng lặp. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, kế thừa Pháp lệnh Thư viện để chỉnh sửa nội dung này.

Liên quan đến tiêu chuẩn đối với lãnh đạo thư viện, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy, hoạt động thư viện có tính đặc thù đòi hỏi người trực tiếp quản lý phải có trình độ chuyên môn mới thực hiện được đầy đủ chức trách của mình. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn đối với lãnh đạo thư viện, trong đó có tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ và số năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thư viện.

Tại phiên họp, các vấn đề cụ thể liên quan đến hoạt động liên thông thư viện; thư viện số; xếp hạng thư viện, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thư viện; việc kiện toàn các thư viện cấp xã… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Thư viện ra đời không phải tạo ra hệ thống thư viện từ dưới lên, mà cần tạo ra một nền tảng để giải quyết được vấn đề nâng cao văn hóa đọc. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, các ý kiến thảo luận tại phiên họp này sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban hoàn thiện Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thư viện  dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tới.

Thu Phương