Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có sự điều chỉnh dự thảo Luật Thư viện xuống còn 6 chương và 50 điều. Tại buổi hội nghị, nhiều ý kiến đồng ý với việc nên xem Thư viện là 1 thiết chế văn hoá. Đồng thời cần làm rõ tiêu chí thư viện trọng điểm là như thế nào? Thư viện trung tâm có phải là thư viện trọng điểm hay không? Khái niệm thư viện ảo, không gian ảo cũng được các đại biểu đề cập đến nhưng nếu không có không có điều luật tham chiếu đầy đủ thì sẽ rất nguy hiểm.
Các đại biểu cũng đề cập đến việc những chồng chéo giữa xây dựng Luật Thư viện với Luật Sở hữu trí tuệ khi Luật này nêu rất rõ là tất cả tài nguyên của thư viện dùng cho mục đích nghiên cứu, chứ không có cho học tập. Một số nội dung quan trọng liên quan đến chính sách đầu tư, vấn đề quản lý, tổ chức hoạt động thư viện cũng được các đại biểu đề cập đến trong buổi hội nghị, nhất là vấn đề xếp hạng thư viện.
Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến thư viện công cộng, thư viện ngoài công lập bao gồm thư viện của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện có yếu tố nước ngoài… cũng được các đại biểu thảo luận. Nổi bật trong thảo luận là nội dung luân chuyển cán bộ để phục vụ ở thư viện cấp xã còn nhiều khó khăn do kinh phí hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu, đồng thời giải đáp một số thắc mắc ngay tại cuộc họp. Đối với băn khoăn về việc đánh giá, xếp hạng thư viện, Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình cho rằng khi đầu tư thư viện cũng dựa vào 2 cơ sở chứ không phải chỉ dựa vào tiêu chí xếp hạng: thứ nhất là vị thế trong phát triển chiến lược, thứ 2 là hiệu quả xếp hạng./.