ỦY BAN VHGDTNTH&NĐ TIẾP TỤC KHẢO SÁT TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT TRẺ EM NĂM 2016

10/07/2019

Chiều ngày 10/7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội về việc khảo sát tình hình triển khai thực hiện Luật Trẻ em năm 2016. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo tình hình thực hiện triển khai Luật Trẻ em 2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, việc thực hiện công tác trẻ em của ngành, trách nhiệm được giao tại Luật trẻ em 2016 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm túc, triển khai hiệu quả. Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã lồng ghép nội dung về trẻ em trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành. Trẻ em được bảo đảm những điều kiện để phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phòng, chống xâm hại, lạm dụng, bóc lột trẻ em khi tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.

Tuy nhiên, kinh phí thực hiện các hoạt động đảm bảo quyền được vui chơi giải trí, phòng, chống đuối nước tai nạn thương tích cho trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Mạng lưới thư viện, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng đều chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, trung tâm huyện lỵ; những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dân tộc ít người, hệ thống này ít về số lượng, không có nhiều hoạt động phong phú phục vụ thiếu nhi. Nhận thức của các cấp chính quyền, các thành viên trong gia đình về quyền được vui chơi giải trí cho trẻ em chưa đầy đủ. Kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong gia đình của phần đông mọi người, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc ít người còn hạn chế.  Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình thiếu về số lượng, kinh nghiệm, chưa có đội ngũ cộng tác viên cơ sở. Kinh phí chi cho công tác gia đình chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ đặt ra, trong đó có nhiệm vụ về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong gia đình. Công tác phối hợp trong lĩnh vực trẻ em với các ban, bộ, ngành liên quan chưa thường xuyên và hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu

Nguyên nhân của những hạn chế khó khăn chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, lãnh đạo một số cơ quan đơn vị về công tác trẻ em còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm, đầu tư chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác trẻ em gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Tại cơ sở, đội ngũ cán bộ văn hóa – xã hội cấp xã phải thực hiện nhiều đầu việc nên không thể tập trung, đầu tư vào nhiệm vụ trẻ em của ngành.

Bên cạnh đó, gia đình có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng nhất đến sự phát triển toàn diện của trẻ em tuy nhiên nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình nói chung ở trung ương và địa phương còn hạn chế. Đội ngũ làm công tác gia đình còn thiếu về số lượng, kinh phí còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong khi khối lượng công việc rất lớn. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc. Hầu hết ở cấp huyện không có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác gia đình. Cán bộ cấp xã lại thường xuyên luân chuyển, không có có đội ngũ cộng tác viên chuyên trách dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác gia đình nói chung, trẻ em trong gia đình nói riêng còn hạn chế.

Ngoài ra, kinh phí cho công tác triển khai, thực hiện công tác trẻ em của ngành chưa đáp ứng được các nhiệm vụ đặt ra, chưa huy động được nguồn kinh phí xã hội hoá. Công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật và các văn bản về trẻ em chưa thường xuyên, liên tục; sự phối hợp liên ngành trong công tác trẻ em chưa thực sự hiệu quả.

Trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch, triển khai truyền thông về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em, tập trung vào các nội dung phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội rà soát, xây dựng tài liệu, sản phẩm truyền thông và tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em (chiến dịch “Lan tỏa yêu thương”; chiến dịch “Suy nghĩ trước khi chia sẻ”...). Thông tin, quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trên các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Truyền thông, vận động xã hội, thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”. Đồng thời, khảo sát việc bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tại một số địa phương. Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản.Tập huấn cho cán bộ trung ương và địa phương về thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tổng hợp tình hình bố trí ngân sách cho công tác trẻ em năm 2019 và đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp...

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi làm việc

Để triển khai tốt hơn nữa Luật Trẻ em 2016 trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định ban hành quy hoạch tổng thể phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2050. Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em cần tăng cường hoạt động tập huấn, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm, thông tin trong triển khai các hoạt động cũng như công tác phối hợp liên ngành trong triển khai các chương trình về trẻ em. Đồng thời đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát huy hơn nữa vai trò đầu mối thực hiện nhiệm vụ này. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp liên ngành về công tác trẻ em. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ về trẻ em giữa các Bộ, ban ngành về lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong gia đình...

Đối với các địa phương, đề nghị tăng cường đầu tư nguồn lực để xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi bạo lực, sử dụng lao động cũng như xâm hại trẻ em. Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa để cung cấp trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh ghi nhận sự cố gắng và những kết quả đã đạt được của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh nhấn mạnh, những gì chúng ta đã đạt được và đòi hỏi thực tế xã hội vẫn đang có một khoảng cách rất xa. Do vậy, trong thời gian tới các bộ ngành cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tháo gỡ những bất cập của công tác chăm sóc, bảo về trẻ em trong giai đoạn mới, nhất là khi tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội đang có chiều hướng tăng cao.

Theo chương trình, ngày mai (11/7), Ủy ban tiếp tục làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Công An, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về nội dung này./.

Thu Phương