Toàn cảnh tọa đàm
Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thư viện.
Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay hệ thống thư viện công cộng ở nước ta gồm có: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành, 659 thư viện cấp huyện và hàng nghìn thư viện/tủ sách cấp xã và cơ sở. Số lượng thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có khoảng trên 60 thư viện.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của khoa học thư viện, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện và cách tiếp cận thông tin của người dân; đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống thư viện. Thực tế khảo sát cho thấy, hệ thống thư viện ở nước ta, trong đó phần lớn thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, nhiều thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới. Vì vậy, cần phải đổi mới tổ chức, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện. Năm 2012, dự án Luật Thư viện đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nhưng Dự thảo Luật lúc bấy giờ còn một số vấn đề chưa được làm rõ nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị đưa ra khỏi Chương trình. Đến nay, Dự án Luật đã được chuẩn bị đảm bảo điều kiện trình Quốc hội. Hồ sơ dự án Luật Thư viện đã được chuẩn bị đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng Dự thảo Luật; hoàn thiện và trình dự thảo văn bản quy định chi tiết cùng với dự án Luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV góp ý cho dự án Luật Thư viện, hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều đồng ý với sự cần thiết phải ban hành Luật. Nhiều ý kiến cho rằng Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc, giúp người dân nâng cao hưởng thụ về Văn hóa, thúc đẩy sự phát triển nói chung của đất nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, chính sách đầu tư cho hoạt động thư viện cần quy định rõ hơn nữa việc nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển thư viện; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực nhân lực phát triển thư viện... Đồng thời cần quy định rõ thư viện cộng đồng vào trong luật, để thư viện cộng đồng có thể duy trì và phát triển…
Qua thảo luận tại tọa đàm, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Thư viện sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản logic, hợp lý. Cụ thể, dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa một số chương, điều khoản cho phù hợp. Văn phong ngắn gọn, rõ ràng phù hợp với ngôn ngữ văn bản pháp luật và đặc điểm nghề thư viện trong thời đại thông tin và môi trường khoa học công nghệ hiện đại. Đã đưa ra và làm rõ một số khái niệm mới như: tài nguyên thông tin, thư viện số, quyền tiếp cận và khai thác thông tin, dịch vụ thông tin, số hóa tài liệu…
Đại biểu phát biểu tại tọa đàm
Nhìn chung, so với phiên bản trước, dự thảo Luật Thư viện lần này đã có nhiều chỉnh sửa có liên quan tới các ý kiến đóng góp của các chuyên gia thẩm định và của các Đại biểu quốc hội, đặc biệt là Chương IV về Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện đã được kết cấu lại và khái quát hóa rõ ràng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên có liên quan tới hoạt động thư viện. Tuy nhiên, phiên bản Dự án Luật lần này vẫn còn nhiều tồn đọng cần tiếp tục hoàn thiện và chỉnh sửa bổ sung để đảm bảo tính khoa học và tính qui phạm pháp luật. Đặc biệt, văn phong được sử dụng còn có nhiều thiếu sót so với yêu cầu đối với văn bản qui phạm pháp luật về văn phạm, tính chính xác, logic, ngắn gọn, đủ nghĩa, đơn nghĩa và duy nhất.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ rõ, các khái niệm được đưa ra trong dự thảo Luật vẫn còn chưa đầy đủ, còn thiếu một số khái niệm cơ bản đã được đề cập trong nội dung của Luật. Việc giải thích từ ngữ cũng chưa khoa học và chưa tường minh về nội hàm khái niệm, dẫn tới các điều khoản cho điều tiết cũng chung chung và không đầy đủ. Thậm chí có phần thiếu chính xác về văn phạm tiếng Việt. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn chỉnh vấn đề này.
Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước đối với phát triển sự nghiệp thư viện được trong dự thảo Luật cũng đang được liệt kê quá dàn trải và quá chi tiết, chưa bám sát vào thực tế và trùng lặp nhau, thiếu khái quát và chung chung, đặc biệt, chỉ nhằm đầu tư cho phát triển thư viện công cộng (điểm a khoản 1). Vậy các loại hình thư viện khác (thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện thuộc các cơ sở giáo dục…) thì sao?
Theo các đại biểu, chính sách phát triển thư viện trong Dự án Luật cần được hiểu là chính sách của Nhà nước đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp thư viện, bao gồm các chính sách cho phát triển mạng lưới thư viện trên toàn lãnh thổ, chính sách đầu tư phát triển (hạ tầng, tài chính, nguồn lực thông tin…); chính sách phát triển nguồn nhân lực thư viện (chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chế độ lương bổng, phụ cấp nghề…). Vì thế, cần xác định các chính sách cần thiết trên quan điểm là đầu tư cho sự nghiệp thư viện theo hướng hiện đại hóa, nhằm tạo lập không gian thông tin-thư viện chung và thống nhất trên phạm vi các qui mô khác nhau thông qua các dự án cụ thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác có liên quan. Theo đó, trong dự án Luật cần có các điều khoản khái quát hóa cụ thể chính sách nhà nước theo các mức độ ưu tiên và trọng điểm đối với các nội dung sau: xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, trong đó bao gồm cả các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện thuộc các cơ sở giáo dục và đào tạo chứ không thể chỉ là mạng lưới thư viện công cộng; đầu tư cơ sở vật chất-kỹ thuật và hạ tầng mạng công nghệ thông tin; phát triển tài nguyên thông tin (trong đó gồm chính sách về liên thông thư viện và về tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học); Phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ thông tin-thư viện hiện đại; phát triển nguồn nhân lực thông tin-thư viện; Xã hội hóa hoạt động thư viện (trong đó gồm chính sách đối với các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng);....việc đầu tư phát triển thư viện không nên phụ thuộc vào tiêu chí sở hữu mà phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của thư viện trong đáp ứng nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp xã hội.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia tại buổi làm việc; cho rằng đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện chuẩn bị trình Quốc hội tại các phiên họp tới./.