Toàn cảnh phiên họp
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Thư viện. Mục đích của việc xây dựng Luật Thư viện nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, tạo khung pháp lý mới để phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, phục vụ việc học tập suốt đời của người dân; khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động thư viện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Ngay sau kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật Thư viện. Sau thời gian tích cực rà soát, đến nay, dự thảo Luật đã có một bước hoàn thiện về bố cục, kết cấu và nhiều nội dung quan trọng khác.
Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTH&NĐ Phan Thanh Bình phát biểu
Đại diện Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Luật được chỉnh lý hiện có 05 chương 50 điều, quy định về hoạt động của thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. So với dự thảo Luật trình Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý giảm 01 Điều. Chương I của dự thảo luật bổ sung thêm 02 điều mới về xã hội hóa hoạt động thư viện (Điều 5) và Ngày sách và Văn hóa đọc (Điều 6), đổi tên và chuyển điều phân loại thư viện vào chương II, lược bỏ điều về tổ chức xã hội-nghề nghiệp thư viện (đưa thành 01 khoản về tổ chức liên quan ở chương 4. Chương II đổi tên thành thành lập thư viện, thiết kế thành 02 mục (các loại thư viện và thành lập thư viện). Chương III về hoạt động thư viện bổ sung 03 điều mới về phát triển văn hóa đọc (Điều 37), Hiện đại hóa thư viện (Điều 28), nguồn tài chính cảu thư viện (Điều 32). Đồng thời, lược bỏ Chương V, các nội dung xếp hạng thư viện và đánh giá thư viện được chuyển thành 02 Điều tại chương này. Bên cạnh đó, Chương IV cũng đã chỉnh lý lại quyền và nghĩa vụ của thư viện, tổ chức cá nhân trong hoạt động thư viện; lược bỏ các điều về quyền và nghĩa vụ của các loại thư viện chuyển lên Chương II thành chức năng nhiệm vụ của thư viện. Chương 5 về quản lý nhà nước về thư viện cũng đã tích hợp 03 điều quy định về nội dung quản lý nhà nước về thư viện, trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đều cho rằng Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc, giúp người dân nâng cao hưởng thụ về Văn hóa, thúc đẩy sự phát triển nói chung của đất nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, đồng thời để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, các thư viện cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong bổ sung, chia sẻ, phát huy giá trị tài nguyên thông tin; cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của nhân dân, phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập ở nước ta. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ mạng lưới thư viện và các hệ thống thư viện trong mạng lưới, làm cơ sở xác định được thư viện trọng điểm, vị trí của các thư viện khác trong mạng lưới, từ đó đề ra các chính sách phát triển sự nghiệp thư viện, quy định việc thành lập thư viện, quyền, trách nhiệm của thư viện và Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng, cần bỏ quy định về phân loại thư viện, thiết kế Mục I Chương II quy định về mạng lưới thư viện, trong đó quy định 1 điều về các loại thư viện trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh thư viện và tham khảo luật thư viện của một số nước trên thế giới, thể hiện 6 loại thư viện, (bao gồm: Thư viện Quốc gia, Thư viện công cộng, Thư viện của các cơ sở giáo dục, Thư viện chuyên ngành, Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, Thư viện có yếu tố nước ngoài). Các điều còn lại trong Mục I quy định về các thư viện cụ thể và vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mỗi thư viện (được lấy từ Chương IV Dự thảo cũ, có bổ sung, chỉnh sửa). Ngoài ra, để thống nhất mô hình tổ chức và quản lý của thư viện hiện nay, khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật cần quy định về mô hình tổ chức của các loại thư viện. Theo đó, có hai mô hình tổ chức chủ yếu của thư viện, gồm: đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản (đối với thư viện công lập) và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp và tổ chức khác (đối với thư viện ngoài công lập.
Về xếp hạng thư viện, hiện nay đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Đa số đại biểu đề nghị không quy định về xếp hạng thư viện. Các đại biểu cho rằng, mục đích xếp hạng chưa rõ, tiêu chí, nguyên tắc, chính sách đối với mỗi hạng chưa cụ thể nên khó thực hiện. Thẩm quyền xếp hạng và thu hồi xếp hạng đều giao cho cơ quan chủ quản là chưa hợp lý, cần có một tổ chức riêng đánh giá đảm bảo tính khách quan.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, các đại biểu cho rằng, quy định về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện còn chung chung, khó khả thi. Có ý kiến đề nghị chính sách Nhà nước đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư phát triển thư viện công lập tại các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo phù hợp với đặc thù về phong tục, tập quán văn hóa của từng vùng. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể về chính sách xã hội hóa.
Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật ghép các điều về nội dung quản lý nhà nước, trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành một điều; hoàn thiện, bổ sung trách nhiệm của các bộ liên quan, trong đó có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đạo tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc phát triển văn hóa đọc học đường.
Thực tế cũng cho thấy, hệ thống thư viện ở nước ta, trong đó phần lớn thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, nhiều thư viện trường học hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân. Hạn chế này có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, việc quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ liên quan đối với hoạt động thư viện là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thư viện, đáp ứng nhu cầu sử dụng thư viện của người dân. Do vậy, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của từng Bộ trong hoạt động thư viện.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại phiên họp; trên cơ sở những ý kiến tại phiên họp hôm nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện chuẩn bị trình Quốc hội tại các phiên họp tới. Riêng về nội dung liên quan đến trách nhiệm đầu tư cho hoạt động thư viện và vấn đề xếp hạng thư viện, Ủy ban dự kiến sẽ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.