HỘI NGHỊ TIẾP THU Ý KIẾN ĐÓNG GÓP LIÊN QUAN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

10/08/2019

Ngày 09/8, tại Tp. Hồ Chí Minh, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức toạ đàm về kinh nghiệm quốc tế trong kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban chủ trì hội nghị.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chủ trì hội nghị

Hiện nay, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đã trở nên khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong số gần 300 nước và lãnh thổ trên thế giới tham gia mạng lưới quốc tế các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, phần lớn triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học nhằm mục đích quản lý, giám sát và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Tại Việt Nam, có tổng cộng 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học. Đến nay, đã có tổng cộng 121/129 trường đại học được kiểm định chất lượng giáo dục đại học, tương đương 96%. Kiểm định chất lượng giáo dục đại học là điều kiện cần để các đơn vị đại học tiến tới tự chủ, theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung vừa có hiệu lực.

Theo xu hướng phát triển của giáo dục thế giới, các trường đại học tại Việt Nam cũng có những định hướng phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các tổ chức kiểm định hoạt động hoàn toàn độc lập và chưa thống nhất được các vấn đề lớn như tài chính, cơ cấu tổ chức, quy trình kiểm định dẫn đến sự không đồng bộ, cụ thể như 1 cơ sở giáo dục đăng ký 02 trung tâm kiểm định. Bên cạnh đó, gánh nặng về tài chính và lực lượng kiểm định viên còn hạn chế cũng là những vấn đề cần khắc phục.

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, các trường đại học dù có định hướng, kế hoạch phát triển để đạt kiểm định nào đi nữa thì việc quan trọng nhất của các đơn vị này đó chính là việc công khai các báo cáo, tiêu chuẩn đạt kiểm định để cơ quan, người dân giám sát. Từ đó mới tạo được niềm tin trong cộng đồng. Một vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận, đó chính là việc kiểm định chất lượng giáo dục của những đơn vị “start-up” trong đào tạo, cụ thể ở đây chính là những công ty, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục đại học. Hiện tại, vẫn chưa có những quy định cụ thể về kiểm định chất lượng của những đơn vị này. Đây cũng là rào cản khiến các đơn vị này gặp nhiều khó khăn.

Các đại biểu cũng kiến nghị, cần có những cơ chế chính sách rõ ràng hơn nữa đối với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, để những tổ chức này nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao công tác kiểm định nhằm bắt kịp với những tổ chức kiểm định quốc tế.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi toạ đàm. Chủ nhiệm Uỷ ban khẳng định đây sẽ là những cơ sở để thường trực Uỷ ban tổng hợp, đưa ra những kiến nghị phù hợp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhằm tìm ra giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời gian tới. /.

Vũ Thạch