Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có: các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch.
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy khá nhiều vấn đề đặt ra. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được giao cùng phối hợp tham gia thẩm tra đối với các vấn đề thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách để chia sẽ gánh nặng cùng các Ủy ban. Hiện nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh kỳ vọng, qua Tọa đàm hôm nay sẽ có nhiều ý kiến góp ý trên cơ sở Báo cáo một số vấn đề mà Ủy ban chuẩn bị.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến nhân dân và ý kiến chuyên gia về dự án Luật này liên quan đến đến đất văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch. Đồng thời, Ủy ban cũng sẽ tiếp tục có kế hoạch làm việc với các địa phương và các bộ ngành về nội dung này để làm cơ sở hoàn thiện Báo cáo tham gia thẩm tra của Ủy ban.
Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến chuyên gia tại Tọa đàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, đất xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, du lịch được phân loại thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, đất xây dựng các công trình sự nghiệp và được quy định trong Dự thảo Luật đất đai xin ý kiến nhân dân tại các Điều 40 (Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia); Điều 41 (Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh); Điều 128 (Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất); Điều 166 (Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp); Điều 154 (đất rừng phòng hộ); Điều 155 (đất rừng đặc dụng); Điều 166 (Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp); Điều 177 (Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên).
Một số vấn đề đặt ra về quy định về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, yêu cầu phải xác định rõ chỉ tiêu sử dụng đất và phân đến vùng kinh tế - xã hội về diện tích đất có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (đối với quy hoạch cấp quốc gia) và xác định chỉ tiêu các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh, gồm: đất di tích lịch sử - văn hóa; đất danh lam thắng cảnh; xác định chỉ tiêu sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, cơ sở thể dục thể thao (đối với quy hoạch đất cấp tỉnh) tại Điều 40, 41 đã hợp lý hay chưa?
Bên cạnh đó, quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong các trường hợp: Sử dụng đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao phục vụ công cộng chỉ trong các trường hợp không thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị tại Điều 128 đã đầy đủ và phù hợp với thực tiễn hay chưa?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa
Việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên vào mục đích khác thì phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan (Điều 177). Vậy có cần thiết phải có văn bản chấp thuận của cơ qun nhà nước có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với di lích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên không?
Có cần bổ sung 01 điều quy định riêng về đất khu du lịch không? (Luật hiện hành không có quy định riêng).
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đất xây dựng các công trình giáo dục, đào tạo được phân loại thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, đất xây dựng các công trình sự nghiệp, không có quy định riêng và trong Dự thảo Luật đất đai (dự thảo xin ý kiến nhân dân) được kết hợp quy định tại các Điều 41 (Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh); Điều 128 (Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất); Điều 166 (Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp).
Một số vấn đề đặt ra về quy hoạch đất xây dựng các công trình giáo dục, đào tạo: chỉ được quy định đối với quy hoạch đất cấp tỉnh (điều 41, yêu cầu phải xác định diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh), không có trong quy hoạch đất quốc gia (Điều 40) đã hợp lý hay chưa?
Bên cạnh đó, đề nghị xem xét bổ sung các dự án xây dựng công trình giáo dục, đào tạo vào Điều 80 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất; đề nghị quy định nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư khi xây dựng công trình sự nghiệp; hoặc miễn tiền thuê đất cho các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thực hiện sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Cụ thể là bổ sung 01 khoản vào Điều 166 về Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp để quy định nội dung nêu trên…
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp cận trên quan điểm chính sách phát triển của Đảng với các lĩnh vực do Ủy ban phụ trách, với mong muốn khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành có tính khả thi cao, tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực, giúp cho công tác quản lý đất đai, loại tài nguyên đặc biệt của đất nước.
Toàn cảnh Tọa đàm
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết, mục đích, quan điểm, bố cục và nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Tờ trình của Chính phủ. Dự án Luật được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trên tinh thần thể chế hóa quan điểm của Đảng và giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, phát sinh trong thực tiễn liên quan đến đất đai. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo Luật, bước đầu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các pháp luật; tính tương thích của dự thảo Luật với với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Mong muốn dự thảo Luật đổi mới và khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống, tại tọa đàm, các chuyên gia quan tâm thảo luận nhiều vấn đề: Quy định về quy hoạch đất, chuyển mục đích sử dụng đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; quản lý, sử dụng đất đa mục đích liên quan đến cơ sở giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, đất tín ngưỡng, tôn giáo; chính sách thuế sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các cơ sở du lịch … Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự án Luật chưa có sự thống nhất về nguyên tắc ưu đãi đất đai giữa dự thảo Luật Đất đai với một số luật chuyên ngành như Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Điện ảnh, Luật Thể dục, thể thao, Luật Du lịch…
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Hoàng Thị Hoa
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Hoàng Thị Hoa, dự thảo Luật sửa đổi lần này đã chỉnh sửa bổ sung nhiều nội dung và từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, đối với nội dung về đất đa mục đích liên quan đến văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo tại Điều 184 cần phải rà soát kỹ lưỡng. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Hoàng Thị Hoa cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần căn cứ vào Nghị quyết 18 của Đảng để rà soát và định hướng.
Liên quan đến đất văn hóa, đặc biệt là đất di tích lịch sử, công trình tín ngưỡng, tôn giáo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Hoàng Thị Hoa cho rằng lĩnh vực văn hóa rất rộng: lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… Do vậy cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra điều khoản bổ sung. Nhiều công trình đất tín ngưỡng, tôn giáo chưa được công nhận hay xếp hạng, thì ứng xử như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề đất văn hóa, lịch sử, giáo dục, thể thao... Do vậy, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cần có quan điểm thẳng thắn về vấn đề này. Đặc biệt đề nghị cần phải bổ sung quy định chung về đất trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch…
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần phải rà soát lại kỹ thuật lập pháp trong từng Điều khoản để đảm bảo logic, chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần giải thích từ ngữ cụ thể về các khái niệm “Đất di tích lịch sử”, “đất tôn giáo”, “đất tín ngưỡng”, “đất giáo dục”…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa
Thừa ủy quyền Chủ nhiệm Ủy ban, thay mặt Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phát biểu kết thúc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm; cho rằng các ý kiến phát biểu tiếp cận tự nhiều góc độ khác nhau, thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm đối với dự án Luật này.
Trên cơ sở các ý kiến tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những vấn đề đặ ra tại Tọa đàm hôm nay một cách thấu đáo nhất. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn, trong thời gian tới, Ủy ban tiếp tục nhận được sự góp ý của các chuyên gia và các cơ quan liên quan về nội dung này.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết, mục đích, quan điểm, bố cục và nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Các đại biểu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo Luật, bước đầu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các pháp luật
Có ý kiến cho rằng, đối với nội dung về đất đa mục đích liên quan đến văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo tại Điều 184 cần phải rà soát kỹ lưỡng
Tại tọa đàm, các chuyên gia quan tâm thảo luận nhiều vấn đề: Quy định về quy hoạch đất, chuyển mục đích sử dụng đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự án Luật chưa có sự thống nhất về nguyên tắc ưu đãi đất đai giữa dự thảo Luật Đất đai với một số luật chuyên ngành như Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Điện ảnh, Luật Thể dục, thể thao, Luật Du lịch…
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần phải rà soát lại kỹ thuật lập pháp trong từng Điều khoản để đảm bảo logic, chặt chẽ
Bên cạnh đó, cần giải thích từ ngữ cụ thể các khái niệm “Đất di tích lịch sử”, “đất tôn giáo”, “đất tín ngưỡng”, “đất giáo dục”…