PHÁT BIỂU CỦA QUYỀN ĐIỀU PHỐI VIÊN THƯỜNG TRÚ LIÊN HỢP QUỐC TẠI VIỆT NAM TẠI HỘI NGHỊ AIPA-ECC

06/08/2020

Tại Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững”(AIPA-ECC), ông Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của ông Kidong Park tại Hội nghị.

Ông Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị AIPA-ECC.

 

Kính thưa Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam

Kính thưa ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU

Thưa các quý vị đại biểu,

Thưa quý bà, quý ông

Thay mặt Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, ông Kamal Malhotra, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới AIPA về lời mời tham dự hội nghị rất kịp thời hôm nay. Liên hợp quốc cũng mong muốn bày tỏ lời cảm ơn tới ASEAN đã luôn cam kết gắn bó với Liên hợp quốc, với chủ nghĩa đa phương và trật tự pháp quyền quốc tế.

Lời đầu tiên, cho phép tôi được bày tỏ sự ghi nhận những thành quả to lớn của Chính phủ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đã có những ca lây nhiễm mới ở Đà Nẵng và lân cận, cũng như khả năng sẽ tiếp tục ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, nhưng chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực đang được các cơ quan chức năng Việt Nam triển khai để ứng phó với tình huống này. Chúng tôi sát cánh với các cấp chính quyền và nhân dân Việt Nam cũng như với các thành viên khác trong ASEAN trên tinh thần đoàn kết.

Tôi xin dẫn lời của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại phiên họp Hội đồng Bảo an về hợp tác của Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, bao gồm ASEAN, hôm 30 tháng 1 năm 2020, do Việt Nam trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an đề xuất: Trong thời điểm diễn ra nhiều thách thức ngày càng phức tạp đối với hòa bình và an ninh thế giới, những nỗ lực hợp tác và toàn diện trên kênh đa phương, bao gồm những quan hệ đối tác gắn bó chặt chẽ giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, là rất cần thiết.

Quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN với Liên hợp quốc được triển khai từ năm 2011 tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc. Từ đó đến nay, hợp tác toàn diện ASEAN - Liên hợp quốc đã phát triển thành một bộ phận then chốt trong tổng thể hợp tác của Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực. Nó đã trở thành một hình mẫu tốt về hợp tác giữa Liên hợp quốc với một tổ chức khu vực, trải rộng trên mọi lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc, bao gồm phát triển bền vững, hòa bình và an ninh, các hoạt động nhân đạo và nhân quyền.

Kế hoạch hành động đầu tiên giữa ASEAN với Liên hợp quốc (2016-2020) sẽ kết thúc trong năm 2020, và Kế hoạch hành động thứ hai (giai đoạn 2021-2025) được trông đợi sẽ thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc, dự kiến diễn ra tại Việt Nam tháng 11 năm nay.

Về nội dung này, Liên hợp quốc trông đợi trong Kế hoạch hành động thứ 2 giữa ASEAN và Liên hợp quốc sẽ chính thức hóa mối quan hệ hợp tác với AIPA. Liên hợp quốc hy vọng việc chính thức hóa quan hệ đối tác AIPA - Liên hợp quốc sẽ tạo ra cơ hội mang tính chiến lược để tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực như phát triển bền vững, hành động vì khí hậu cũng như nâng cao vai trò của các nữ nghị sĩ.

Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững”(AIPA-ECC)

Thưa quý vị đại biểu,

Thưa quý bà, quý ông

Trở lại với chủ đề thảo luận hôm nay về việc khởi đầu sự tham gia chính thức của AIPA vào lĩnh vực phát triển bền vững, tôi muốn nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ AIPA trong nỗ lực này. Điều quan trọng cần nhận thấy là mặc dù có những tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục và giảm nghèo nhưng khu vực ASEAN vẫn ở vị trí thấp trong nhiều lĩnh vực khác, thậm chí thụt lùi ở SDG8 trong lĩnh vực việc làm đàng hoàng và tăng trưởng kinh tế, hay ở SDG13 về hành động vì khí hậu và SDG16 về hòa bình và công lý.

Tại hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc gần đây nhất (Hội nghị ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 10) tại Băng-cốc tháng 11 năm ngoái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã thúc giục các Lãnh đạo ASEAN đẩy nhanh hành động trên tất cả các SDGs, và về phần mình cũng đề xuất cung cấp hỗ trợ kỹ thuật của Liên hợp quốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng hoan nghênh sáng kiến giữa ASEAN và Liên hợp quốc nâng cấp hợp tác trong việc bổ sung cho nhau giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 với Nghị sự 2030, bao gồm lồng ghép giới và quyền con người trong công tác này, nhằm bảo đảm tăng trưởng và phát triển toàn diện hơn và phù hợp với nguyên tắc không bỏ lại ai phía sau. Tại hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 10, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu với phát triển bền vững, hòa bình và an ninh con người. Về nội dung này, Tổng Thư ký kêu gọi mạnh mẽ các nhà lãnh đạo ASEAN tăng cường các nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bao gồm việc dừng phụ thuộc vào than và chuyển sang năng lượng tái tạo.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, ASEAN là khu vực bị thụt lùi trong thực hiện SDG13 về hành động vì khí hậu, bốn trong mười nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu là các quốc gia thành viên ASEAN, và khu vực ASEAN vẫn dễ chịu tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, nhất là khi nước biển dâng sẽ tác động tới các cộng đồng dân cư ven biển. Khi AIPA xem xét các kế hoạch hướng đến phát triển bền vững, AIPA nên xem xét tính cấp thiết của vấn đề khí hậu toàn cầu hiện nay và những mối liên hệ với phát triển bền vững của khu vực ASEAN.

Tới đây, tôi muốn chia sẻ với quý vị một đề xuất của Liên hợp quốc, rằng các nghị sĩ ASEAN cần bảo đảm giám sát thỏa đáng về việc thực hiện các Kế hoạch hành động quốc gia về các Mục tiêu Phát triển Bền vững, và thông qua AIPA, trao đổi kinh nghiệm, công cụ và thực tiễn tốt trong thực hiện và giám sát thực hiện SDGs.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Thưa quý bà, quý ông

Cho phép tôi chuyển sang chủ đề giáo dục và văn hóa trong mối quan hệ với phát triển bền vững.

Điều quan trọng cần thấy là các nước ASEAN đã tăng cường cam kết của mình bằng việc đầu tư tốt hơn vào phát triển nguồn vốn con người, từ trẻ em tới thanh niên và người lớn. Trên thực tế, khu vực ASEAN đã nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề lợi tức dân số và tầm quan trọng phải đầu tư và tập trung cho trẻ em trai và trẻ em gái nhằm chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng những tác động của kỷ nguyên số hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tới kinh tế và xã hội.

Mặc dù khu ASEAN là khu vực có tốc độ phủ internet tăng nhanh nhất thế giới nhưng đại dịch COVID-19 và những tác động của việc chuyển đổi sang đào tạo trực tuyến đã bộc lộ một khoảng cách số rõ rệt trong ASEAN. Đó là khoảng cách giữa những trẻ em được tiếp cận với cơ hội học tập trực tuyến với những đứa trẻ không có cơ hội này, thường ở các khu vực vùng sâu. Trẻ em thuộc các cộng đồng dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khoảng cách số này.

Khi tập trung vào chuyển đổi số, ASEAN cần làm nhiều hơn là chỉ đơn giản cải thiện tiếp cận công nghệ và các nền tảng giáo dục số, mà còn phải tăng cường năng lực cho các hệ thống giáo dục trong việc đào tạo khả năng hiểu biết về thế giới số và các kỹ năng mềm cho trẻ em và người trẻ.

Về nội dung này, tôi muốn thúc giục ASEAN thúc đẩy và nâng cao khả năng hiểu biết về thế giới số cũng như kỹ năng mềm ở tất cả các hệ thống giáo dục của ASEAN. Ở đây, các nghị sĩ ASEAN có thể đóng vai trò quan trọng để bảo đảm không để bất kỳ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, như đã nêu trong nghị sự SDGs, bằng cách phát huy các giải pháp bền vững và sáng tạo để lồng ghép nội dung hiểu biết về thế giới số và kỹ năng mềm vào các hệ thống giáo dục thông qua một khuôn khổ pháp lý về đào tạo từ xa.

Tôi muốn chuyển sang những nội dung liên quan đến vấn đề giới. Ở Đông Nam Á, mặc dù vai trò của phụ nữ trong chính trị còn hạn chế ở cấp độ quốc gia, nhưng có nhiều minh chứng cho thấy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ ở cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong cảnh báo sớm giúp ngăn chặn xung đột, sự tham gia của giới trẻ trong việc thúc đẩy văn hóa hòa bình, khoan dung và gắn kết xã hội thông qua các giải pháp dựa vào cộng đồng, ví dụ như các làng hòa bình ở Indonesia. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để phát huy vai trò và sự kết nối giữa các nữ lãnh đạo ở cấp quốc gia với cấp cơ sở, bao gồm cả ở các nghị viện, trong việc triển khai các sáng kiến như vậy.

Từ những nỗ lực đang thực hiện để giải quyết tác động của COVID-19, liên quan đến khuôn khổ pháp lý, chúng ta có thể xem xét nhiều vai trò khác nhau của các nghị sĩ để bảo đảm các gói kích thích của chính phủ nhằm ứng phó và phục hồi sau COVID-19 (phần lớn cần có sự chấp thuận của nghị viện) phải tính đến yếu tố giới nhiều hơn. Ví dụ, các gói bảo trợ xã hội cần phải mở rộng hơn là chỉ tập trung vào giảm nghèo hay các cơ hội tạo thu nhập nhằm giảm nhẹ các cú sốc kinh tế, mà hãy dùng cách tiếp cận về quyền con người trong phát triển, theo đó xem xét khả năng tiếp cận, sự sẵn có, khả năng chi trả và chất lượng các dịch vụ để xử lý các đối tượng dễ bị tổn thương khác nhau trong khủng hoảng COVID-19, đặc biệt là tiếp cận các dịch vụ thiết yếu dành cho những nạn nhân của bạo lực về giới. Phân bổ các ngân quỹ nhằm hỗ trợ các cơ hội kinh tế cho phụ nữ, bao gồm việc giáo dục và phát triển năng lực, cũng là yếu tố quan trọng nhằm tái thiết và tạo sự khác biệt ở phạm vi mỗi quốc gia cũng như toàn khu vực.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Thưa quý bà, quý ông

Liên hợp quốc luôn mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN, bao gồm AIPA, để nâng cao chất lượng các mục tiêu chung của chúng ta vì hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững, hành động vì khí hậu và bảo vệ quyền con người.

Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị. Xin cảm ơn.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác