Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hoá, thể thao giai đoạn 2013 – 2023 của đơn vị, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ tự hào về rạp biểu diễn của anh cả đỏ nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện nay là niềm mơ ước của nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước, thậm chí của nhiều đoàn nghệ thuật xiếc nước ngoài.
Rạp Xiếc Trung ương tại địa chỉ 67 - 69 Trần Nhân Tông, Hà Nội, có quy mô 1.280 chỗ ngồi. Đây là nơi tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật chính của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cũng là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị, các kỳ Liên hoan Xiếc toàn quốc và Liên hoan Xiếc Quốc tế. Rạp được xây dựng và hoàn thành cuối năm 1991, qua 30 năm sử dụng, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư chỉnh trang nội thất và lắp đặt bổ sung trang thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ biểu diễn.
NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam
Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Trần Quang Vinh cho biết, từ năm 2013 đến nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao cho. Được Nhà nước và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng thưởng nhiều huân chương và bằng khen cao quý như: Huân chương Lao động 1,2,3; Cờ Thi đua của Chính Phủ; Cờ thi đua xuất sắc của Bộ cũng như nhiều Bằng khen, giấy khen khác của các Ban, ngành và chính quyền địa phương… Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ của đơn vị được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân; Nghệ sĩ Ưu tú…
Tuy nhiên về những hạn chế, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Trần Quang Vinh cho biết, một số hạng mục trong rạp không còn đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và sự phát triển chung hiện nay. Các hạng mục chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phục vụ công chúng đến thưởng thức nghệ thuật.
Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Trần Quang Vinh
Năm 2010, Liên đoàn Xiếc Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư 1 rạp bạt với quy mô 1.530 chỗ ngồi, để đi biểu diễn lưu động phục vụ khán giả vùng sâu vùng xa và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, do thời gian sử dụng lâu, rạp đã xuống cấp trầm trọng, không bảo đảm an toàn khi biểu diễn và chi phí vận hành tương đối cao nên hiện tại Liên đoàn đã tạm thời không sử dụng hệ thống rạp bạt lưu động này.
Trong định hướng phát triển, Liên đoàn Xiếc Việt Nam dự kiến đầu tư nâng cấp rạp bạt, bổ sung trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, phương tiện để các đoàn có thể đi biểu diễn lưu động phục vụ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Liên đoàn cũng sẽ nâng cấp tổng thể nhà tập cho diễn viên, xây dựng đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đầu tư xây dựng khu tập luyện chất lượng cao (xiếc, múa) tại khu đất 200m2 tiếp giáp Câu lạc bộ Mùa Xuân (Công viên Thống Nhất)...
NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết rất kỳ vọng vào Khu phụ trợ biểu diễn đang bước vào giai đoạn 2 của Dự án đầu tư xây dựng công trình Cải tạo, nâng cấp Khu phụ trợ biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Diện tích sử dụng khoảng 1.296m2, với quy mô 5 tầng nổi và 1 tầng hầm, phòng biểu diễn đa chức năng sức chứa khoảng 300 chỗ ngồi. “Mục tiêu đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp Khu phụ trợ biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đồng bộ hệ thống trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, các khu chức năng… nhằm đáp ứng yêu cầu biểu diễn nghệ thuật xiếc phục vụ đông đảo công chúng tại Hà Nội”.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Liên Đoàn xiếc Việt Nam
Trong thời gian tới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam mong muốn có những chính sách ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, thể thao, nghệ thuật nói chung và đối với các đơn vị nghệ thuật đặc thù, truyền thống như Xiếc, Múa, Tuồng, Chèo, Cải lương... Đồng thời, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nhân lực và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao của các đơn vị trực thuộc; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao của đơn vị về quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu
Qua lắng nghe ý kiến của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn khảo nêu rõ, nghệ thuật xiếc Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Kể từ khi hình thành, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã đạt nhiều danh hiệu trong và ngoài nước với đội ngũ văn nghệ sĩ có tâm huyết, bền bỉ, quả cảm, sáng tạo, tài năng, góp phần xây dựng các tiết mục, chương trình đặc sắc, thu hút khán giả thuộc nhiều lứa tuổi.
Nhấn mạnh hiện nay vai trò và uy tín của xiếc Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên, Đoàn khảo sát đề nghị trong thời gian tới, Liên đoàn xiếc Việt Nam tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và thể nghiệm kết hợp với các loại hình khác để đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện nay. Trong đó, khi kết hợp lưu ý chú trọng chất lượng, thử nghiệm kỹ trước khi đưa ra biểu diễn./.