ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC TẠI THANH HOÁ

03/04/2018

Ngày 02 - 03/4, tiếp tục Chương trình Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 – 2016, Đoàn Công tác số 2 thuộc Đoàn Giám sát của UBTVQH, do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Thúy Anh làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Thanh Hóa.

Tham dự buổi làm việc với UBND tỉnh có Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải...

 

Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2016, Thanh Hóa triển khai thực hiện 32 dự án, chương trình đầu tư từ nguồn vốn ODA, với tổng mức đầu tư 11.393 tỷ đồng. Nguồn vốn ODA đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa tập trung vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, kết hợp xóa đói, giảm nghèo; giao thông – vận tải, cấp thoát nước và phát triển đô thị; y tế, giáo dục – đào tạo; và năng lượng. Thông qua triển khai các dự án, chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp… Thanh Hóa đã dần hình thành đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, hiểu biết thông lệ, quy định liên quan; một số dự án thực hiện với sự tham gia của cộng đồng đã phát huy tích cực cơ chế dân chủ ở cơ sở từ quá trình lập kế hoạch đến thực hiện, theo dõi và giám sát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn cũng cho biết: tại Quyết định số 40/2015 của Thủ tướng Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, thì ngân sách Trung ương không bố trí vốn đối ứng cho dự án vay lại. Nhưng Nghị định số 52/2017 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lại quy định, tất cả các dự án đều phải vay lại nguồn vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài. Để giảm bớt khó khăn cho địa phương, Phó Chủ tịch Lê Minh Tuấn cho rằng, nên xem xét, điều chỉnh lại quy định tại Nghị định số 52 theo hướng sẽ không hỗ trợ vốn đối ứng cho các dự án vay lại 100% vốn ưu đãi.

Ghi nhận kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa, song các thành viên Đoàn công tác cũng lưu ý, việc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển đang bước vào giai đoạn mới, nên địa phương cần chủ động tổng kết, đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng vốn ODA, qua đó chấn chỉnh lại các hạn chế, tồn tại hiện nay. Một số ý kiến đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo đẩy nhanh việc quyết toán sau khi dự án hoàn thành, thậm chí HĐND tỉnh cần vào cuộc để góp phần chấn chỉnh tiến độ thực hiện quyết toán, thanh toán dự án đã hoàn thành. Đồng thời, chú ý công tác quản lý sau khi hết thời gian thực hiện, bảo đảm hiệu quả bền vững của dự án, tránh gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.  

Nhấn mạnh nhu cầu thu hút vốn nước ngoài của địa phương còn lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần chú ý nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, thực hiện dự án, cũng như người dân thụ hưởng, tránh tồn tại tâm lý “vốn từ trên trời rơi xuống”. Đồng thời, tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư trong thời gian tới, khả năng tiếp nhận của tỉnh để kịp thời báo cáo Chính phủ tổng hợp, trình QH bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn; tiếp tục nhân rộng, lan tỏa các dự án hỗ trợ cải thiện hạ tầng nông thôn, tư duy sản xuất của nông dân.

Trước đó, Đoàn công tác đã làm việc với Ban quản lý dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội TP Thanh Hóa. Dự án có giá trị 117,9 triệu USD, được thực hiện từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Hàn Quốc. Đến nay, 5 hợp phần của dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, có tác động lan tỏa đến tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, hợp phần số 1 về phát triển đường đô thị đã được thực hiện bằng đầu tư xây dựng đường vành đai phía đông và phía tây, giúp giảm tải lưu lượng giao thông vào trung tâm thành phố, tạo điều kiện phát triển hạ tầng đô thị khu vực lân cận.

Đoàn công tác cũng đã khảo sát thực địa dự án nâng cấp hệ thống kênh trạm bơm Nam sông Mã. Đây là dự án nằm trong dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới, vay vốn Ngân hàng Thế giới, thời gian thực hiện từ năm 2014 – 2020, với tổng vốn thực hiện 4.431 tỷ đồng. Dự án được triển khai nhằm cấp nước tưới cho 11.525 ha đất canh tác nông nghiệp, 450 ha đất nuôi trồng thủy sản của các huyện Thiệu Hóa, Yên Định; xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu... Bên cạnh hợp phần đầu tư cho hệ thống hạ tầng nông nghiệp, dự án này còn đầu tư hợp phần phi công trình, đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý, tổ chức dịch vụ và nông dân, góp phần tạo chuyển biến đồng bộ giữa hạ tầng nông nghiệp và tư duy sản xuất./.

(Báo Đại biểu Nhân dân)