Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga; lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện.
Đoàn giám sát tập trung nắm tình hình kết quả thực hiện Nghị quyết số 76, ngày 24/6/2014 của Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng; kết quả thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm y tế, quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế; hệ thống y tế cơ sở; thực hiện Luật Bình đẳng giới và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cụ thể như chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ đã góp phần tích cực tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo. Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh tính đến hết năm 2017 là 26.164 hộ, chiếm tỷ lệ 20,3% so với số hộ dân toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,56%/năm. Chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo số liệu của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 1.013 hộ, trong đó xây dựng mới là 444 hộ, sửa chữa là 569 hộ. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 35,6 tỷ đồng.
Về kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, đến nay, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng/tổng số nữ đảng viên thuộc cùng một cấp ủy ở cấp tỉnh chiếm trên 15%, cấp huyện chiếm trên 17% và cấp xã, thị trấn chiếm trên 24%. Trong lĩnh vực kinh tế, tổng số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là 484 doanh nghiệp. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ trên 52%.
Việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm 31/12/2017 là trên 88%, vượt chỉ tiêu giao theo Quyết định 1167 của Thủ tướng Chính phủ hơn 1,4%. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố và kiện toàn. Toàn tỉnh có 102 trạm y tế xã, phường, thị trấn với 510 giường bệnh; có 10 trung tâm y tế huyện, thành phố, trong đó có 08 trung tâm y tế thực hiện 02 chức năng được bố trí 570 giường bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh kiến nghị, Trung ương đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; Trung ương cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ để tỉnh Kon Tum thực hiện hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trong năm 2018; Bộ Y tế hoàn thiện về cơ chế, chính sách nhằm thu hút, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ, tiền lương để cán bộ y tế yên tâm công tác, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa.
Kết luận buổi làm việc, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã ghi nhận những kết quả của tỉnh trong thời gian qua và những kiến nghị của tỉnh Kon Tum tại buổi làm việc. Đồng thời, đề nghị tỉnh Kon Tum tổng hợp các ý kiến của các cấp, ngành vào báo cáo để đoàn có căn cứ kiến nghị với các bộ, ngành; các cấp chính quyền cần nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình mục tiêu Giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo; tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung hỗ trợ hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho người có công còn khó khăn về nhà ở trong năm 2018; có giải pháp để nâng cao mức sống cho 3% hộ gia đình người có công với cách mạng hiện đang khó khăn trong đời sống. Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT; quan tâm đầu tư cho trạm y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân./.