Toàn cảnh phiên họp
Tham dự Phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; đại diện một số Bộ, ngành hữu quan.
Việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 đã bộc lộ một số hạn chế của hệ thống y tế
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay khi dịch bệnh bắt đầu có những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã thành lập các Bộ phận thường trực đặc biệt tại địa phương để trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phòng, chống dịch. Xây dựng và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về truy vết, khoanh vùng, các phương án cách ly, chiến lược xét nghiệm, đánh giá nguy cơ, phòng, chống dịch tại khu công nghiệp; chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, tình huống xấu và chủ động nâng cao năng lực phòng, chống dịch. Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng để đáp ứng với diễn biến của dịch bệnh và biến chủng Delta như trạm y tế lưu động, xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, cách ly F0 tại nhà, thành lập Trung tâm hồi sức tích cực...
Đồng thời, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngành y tế, phối với các bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp rất khan hiếm. Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này được đánh giá là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, theo đó, đã tổ chức tiêm an toàn trên 62 triệu liều vaccine, đạt tỷ lệ 60,2% số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và 24,7% đã tiêm đủ liều vaccine.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Phiên họp
Tuy nhiên, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Một số địa phương chưa tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine cho người dân dẫn tới tình trạng một số cán bộ y tế bị xử lý kỷ luật. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm COVID-19, thu phí xét nghiệm quá cao, gây bức xúc cho người dân, thậm chí cùng một bộ test nhanh, cùng quốc gia sản xuất lại có 3 mức giá tham chiếu công bố trên thị trường trong chưa đầy một tháng, trong khi các chi phí xét nghiệm này là bắt buộc khi đi khám chữa bệnh và không được bảo hiểm y tế chi trả... Chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch còn thấp, chưa có cơ chế hỗ trợ ăn, nghỉ, di chuyển đến nơi thực hiện nhiệm vụ, nơi cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch...
Cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề an sinh xã hội, lao động việc làm
Thẩm tra nội dung này tại Phiên họp, Ủy ban Xã hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành y tế, quân đội, công an, các tình nguyện viên… trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo Ủy ban, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống COVID-19, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan (ví dụ như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược, Pháp lệnh về Tình trạng khẩn cấp....) để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung theo quy định tại mục 3.7 của Nghị quyết số 30.
Thường trực Ủy ban đưa ra ý kiến thẩm tra
Quan tâm đến vấn đề sản xuất kinh doanh và lao động - việc làm, Thường trực Ủy ban thấy rằng, đứng trước thực trạng dịch bệnh có tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc sản xuất, lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đã được triển khai tại nhiều địa phương như ”ba tại chỗ”, ”một cung đường hai điểm đến”, ”ba xanh”...
Tuy nhiên, theo Ủy ban, vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, đó là: Hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn với chi phí tăng cao, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh, hoạt động của các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác cũng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiến độ phục hồi chậm do thị trường bị sụt giảm trong khi đó các chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng; khó khăn về vốn lưu động, khó tiếp cận chính sách tín dụng.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Phiên họp
Các thành viên Ủy ban Xã hội cũng lưu ý, nhiều lao động phi chính thức bị rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm chính thức và thu nhập để bảo đảm cuộc sống do dịch COVID-19. Cùng với đó, lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê tránh dịch tiềm ẩn một số khó khăn cho địa phương về công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, chính quyền cũng cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, lao động việc làm để người dân có thể yên tâm ở yên tại chỗ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến thảo luận của thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự; Thường trực Ủy ban sẽ hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, đảm bảo chất lượng tốt nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban nhất trí với các bài học kinh nghiệm, các giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ; đề nghị Chính phủ cần lưu ý tập trung một số giải pháp trọng tâm, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân./.