THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

15/04/2022

Ngày 15/4, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp Thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

 

Toàn cảnh phiên họp

Dự phiên họp có: các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Về phía cơ quan soạn thảo có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Sở Y tế một số tỉnh/ thành phố….

Cần thiết ban hành Luật sửa đổi để khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác khám bệnh, chữa bệnh

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, để khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác khám bệnh, chữa bệnh đồng thời thể chế hóa các quan điểm của Đảng đối với công tác này, trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trình bày Tờ trình

Bộ Y tế xây dựng, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với phạm vi điều chỉnh như sau: Quy định về toàn bộ các nội dung liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ quyển, nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các quy định về điều kiện thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; các quy định về chuyên môn kỹ thuật cho đến các điều kiện bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó bổ sung quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A; Làm rõ hơn nội hàm của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng định nghĩa khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả việc khám cho người chưa có bệnh nhưng có nhu cầu xác định tình trạng sức khỏe (hoạt động khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe tuyển dụng, khám thai...) hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như thẩm mỹ. Loại trừ một số trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật như hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ, nội dung của Dự án Luật tập trung vào 04 nhóm chính sách lớn sau đây:

Một là, nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.

Hai là, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Ba là, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh

Bốn là, đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đối với nội dung về nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, Dự án Luật quy định phải đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh sau đây: Bác sỹ; Y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng; Cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic); Các đối tượng là Lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ. Đồng thời quy định phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề, theo đó nếu trong 05 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề; Đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề; Không đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.

Đối với nội dung tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề như hiện nay, để khắc phục các vướng mắc bất cập về cấp giấy phép hoạt động đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Dự án Luật đã quy định: Cho phép các tổ chức có tên gọi như cơ sở giám định y khoa, trung tâm y tế huyện, viện nghiên cứu có giường bệnh và các cơ sở khám bệnh, у chữa bệnh có tên gọi khác được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật này; Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Đồng thời, đổi mới về phân cấp chuyên môn, theo đó hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW; xác định mức độ cung cấp dịch vụ của từng cấp đồng thời cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa và kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế để từng bước tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngay tại cơ sở, hạn chế việc người bệnh phải về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của trung ương để được chăm sóc sức khỏe như hiện nay.

Tiếp tục hoàn thiện những nội dung lớn, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của Dự án Luật

Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn của Dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai nêu rõ, Dự án Luật lần này có một số thay đổi, điểm mới trong những chính sách lớn, do đó cần có cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, bổ sung đầy đủ các các số liệu, thông tin có liên quan trong những cái nội dung cụ thể.

Về chính sách của nhà nước, Nghị quyết 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã quy định rất nhiều chính sách Vì vậy, để nghị thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết này vào Dự án Luật sửa đổi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai trình bày Báo cáo một số ý kiến về Dự án Luật

Về vấn đề thi đánh giá năng lực để cấp chứng chỉ hành nghề, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Dự án Luật quy định thực hiện việc tập trung đầu mối cấp, quản lý hoạt động của người hành nghề theo hướng giao Hội đồng Y khoa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hành nghề. Thực hiện việc phân cấp về cấp giấy phép hoạt động theo hướng: Bộ Y tế cấp cho người làm việc tại cơ sở trực thuộc Bộ Y tế; Bộ Quốc phòng cấp cho người làm việc tại cơ sở trực thuộc Bộ Quốc phòng; Bộ Công an cấp cho người làm việc tại cơ sở trực thuộc Bộ Công an; Sở Y tế cấp cho các đối tượng còn lại…Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban, quy định về nội dung này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng đủ căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn. Đặc biệt là vấn đề kiểm tra thực hành cần phải được quy định cụ thể để việc thi đánh giá năng lực hành nghề đảm bảo được kết quả chính xác.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà- Giám đốc Sở Y tế chỉ ra rằng, Luật sửa đổi lần này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề bất cập của Luật 2009. Đồng thời, trên thực tiễn có nhiều mô hình khám bệnh rất tốt, tuy nhiên lại chưa được luật hóa để có căn cứ thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cả công lập lẫn tư nhân. Mục đích quan trọng nhất của Dự án Luật là đảm bảo tốt nhất….

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành như Nghị định, Thông tư cũng phải được chuẩn bị sớm, cụ thể rõ ràng để việc triển khai thực hiện trên thực tiễn có tính khả thi cao; đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn

Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan và một số đại biểu cho rằng Dự án Luật sửa đổi cần nghiên cứu giải quyết các vấn đề về hệ thống y tế cơ sở, khám chữa bệnh từ xa, nguồn tài chính của cơ sở khám chữa bệnh, quy chế bệnh viện, chính sách cho chuỗi cơ sở khám bệnh chữa bệnh, phạm vi hoạt động chuyên môn, xã hội hóa khám chữa bệnh, phân tầng phân tuyến như thế nào để không quá tải ở tuyến trên và tuyến dưới vẫn đảm bảo khối lượng công việc…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, toàn diện của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Tờ trình và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục các báo cáo liên quan đến nội dung của Dự án Luật; làm rõ hơn báo cáo đánh giá tác động đối với những chính sách mới; lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của Luật. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban Xã hội sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ để trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến tại Phiên họp tháng 10 (tháng 4/2022).

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị cần làm rõ hơn các quy định về nguồn tài chính đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

Giám đốc Sở y tế Hà Nội, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho rằng Luật sửa đổi cần giải quyết nhiều vướng mắc phát sinh trong thực tiễn về quản lý bệnh viện, về vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị cần có báo cáo đánh giá tác động kỹ hơn, số liệu đầy đủ hơn về một số nội dung chính sách lớn của Dự án Luật

Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng- Bộ Công an cho rằng, nếu Hội đồng y khoa làm tốt công tác cấp phép hành nghề thì sẽ giảm bớt đầu mối, giảm bớt khối lượng công việc hành chính

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh Dự án Luật cần thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình, làm rõ hơn một số nội dung các đại biểu quan tâm./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác