ỦY BAN XÃ HỘI THẨM TRA TỜ TRÌNH VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CHO PHÉP THỰC HIỆN MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC BIỆT, ĐẶC CÁCH, ĐẶC THÙ TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

06/12/2021

Sáng 06/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 5 theo hình thức trực tuyến để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

 

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Tham dự Phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số Bộ, ngành hữu quan…

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch 02 năm vừa qua; đồng thời rà soát, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; Chính phủ nhận thấy mặc dù Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, khóa XV đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc áp dụng các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp mà chưa ban bố tình trạng khẩn cấp; tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc, bất cập do quy định tại các Luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch.

Nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa; để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện Chiến lược, Chính phủ đã có Tờ trình số 521/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình

Qua tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết, báo cáo và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 04 nhóm vấn đề: Khám bệnh, chữa bệnh; Thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; Dược; Trang thiết bị y tế. Cụ thể:

Về cơ chế để huy động nhân lực tham gia phòng, chống dịch, để phù hợp với thực tiễn của hoạt động chống dịch, khi dịch ở mức độ cao đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người, Chính phủ kiến nghị cho phép Bộ Y tế, các Bộ, ngành và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.

Về chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, thời gian vừa qua nhiều trường hợp người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 phải điều trị do bị nhiễm COVID-19 trong quá trình tham gia phòng chống dịch COVID-19. Trong thời gian điều trị này sẽ được coi là người bệnh nhưng trên thực tế rất nhiều trường hợp nếu còn đủ sức khỏe thì các đối tượng này vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19.

Để giải quyết các khó khăn về nội dung này, Chính phủ kiến nghị: Trường hợp người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 phải điều trị do bị nhiễm COVID-19 trong quá trình tham gia phòng, chống dịch COVID-19 hoặc phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19: Được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương trong thời gian điều trị do bị nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng, trong đó Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại; Được hưởng các chế độ phòng, chống dịch COVID-19 nếu tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian điều trị do bị nhiễm COVID-19.

Về bình ổn giá trang thiết bị y tế, trong thời gian vừa qua, giá trang thiết bị y tế có nhiều biến động bất hợp lý, đặc biệt là giá trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng do Luật giá không quy định trang thiết bị y tế thuộc loại hàng hóa phải quản lý giá cũng như không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nên Chính phủ không có cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp bình ổn giá. Để giải quyết các khó khăn nêu trên, Chính phủ kiến nghị: Bổ sung trang thiết bị y tế vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phải áp dụng biện pháp bình ổn giá. Việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với trang thiết bị y tế quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Về khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm COVID-19 hoặc người dân không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19, Chính phủ kiến nghị, cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm COVID-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19, trong đó cho phép quy định yêu cầu, điều kiện và thủ tục phê duyệt hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Thẩm tra Tờ trình, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 để Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần của Kết luận số 20-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội năm 2022, về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết 268/NQ/QH15.

Tuy nhiên, theo Ủy ban, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng do có đối tượng tác động lớn, phạm vi không chỉ cơ chế thực hiện của hệ thống y tế mà cả ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Tờ trình cần làm rõ tính cấp bách để được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15; một số chính sách được trình để giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thời gian trước; một số chính sách được trình để thực hiện lâu dài và dự kiến sẽ được bổ sung, điều chỉnh khi sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Thảo luận tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban và các đại biểu cho rằng, để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống văn bản cũng như tránh trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để thực thi Chiến lược do Chính phủ ban hành, đề nghị Chính phủ chỉ đưa vào Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các nội dung vượt thẩm quyền sẽ được quy định trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu cho ý kiến tại phiên họp

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban thấy rằng, dự thảo Nghị quyết cần đảm bảo tính toàn diện, bao quát các ngành, lĩnh vực tham gia trong công tác phòng, chống dịch, chủ yếu điều chỉnh trong lĩnh vực y tế. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc và dự kiến những thách thức, bất cập có thể phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách, cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch một cách tổng thể, tránh việc ban hành nhiều Nghị quyết về nội dung này.

Đối với các nội dung cụ thể của Nghị quyết, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng hơn nữa để đảm bảo tính thuyết phục cao; đồng thời hoàn thiện các tài liệu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giải trình, làm rõ các nội dung Thường trực Ủy ban đã đề cập trên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến thảo luận tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động, đặc biệt về vấn đề tài chính, ngân sách; bổ sung các số liệu cụ thể, chính xác, có sức thuyết phục; bổ sung báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra… để đảm bảo chất lượng tốt nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới./.

Hồ Hương- Minh Hùng

Các bài viết khác