Tọa đàm chuyên gia lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi)

17/08/2015

Chiều 17/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm chuyên gia lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Phó chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Tọa đàm.

Sau 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự cho thấy, Bộ luật này đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của bộ luật cho thấy còn nhiều vướng mắc vì sự đa dạng của các quan hệ dân sự, thẩm quyền và sự tham gia của chủ thể quan hệ dân sự trong đó có phụ nữ và trẻ em thường là các đối tượng chịu thiệt thòi khi có tranh chấp xảy ra và Bộ luật tố tụng dân sự là bộ luật liên quan nhiều đến bình đẳng giới. Do vậy, việc xem xét lồng ghép yếu tố giới là hết sức cần thiết trong Bộ luật tố tụng dân sự để đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em cũng như các nhóm đối tượng yếu thế khác, nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Mục tiêu chung của việc sửa đổi lần này là tạo cơ hội để mọi cá nhân có điều kiện để họ được tiếp cận công lý, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, qua đó bảo đảm được sự bình đẳng giới thực chất trong tố tụng dân sự; Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ và bảo đảm quyền cá nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế trong tố tụng dân sự; Góp phần khắc phục một số bất cập, tồn tại của việc thực hiện bình đẳng giới trong tố tụng dân sự tại Việt Nam trong việc thực hiện Công ước về chống phân biệt đối xử với phụ nữ, thúc đẩy tiến trình bảo đảm bình đẳng giới thực chất trong tố tụng dân sự...

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự thảo Luật được quy định một cách “trung tính”, đảm bảo các nguyên tắc về bình đẳng giới, không có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ… Trong dự án Bộ luật cũng có nhiều quy định bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, nhiều quy định thể hiện quan điểm bảo vệ phụ nữ, bà mẹ và trẻ em, người yếu thế.

Một số đại biểu đề nghị cần xem xét lại các quy định về yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đinh (khoản 6, Điều 30). Theo Luật hôn nhân và gia định thì chỉ có Điều 97 quy định: Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con. Tuy nhiên, trong trường hợp này đã có tranh chấp xảy ra, do đó không thể coi đây là yêu cầu mà phải coi là: Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ.

Đóng góp ý kiến xây dựng Bộ luật tại Tọa đàm, Trưởng ban Chính sách Luật pháp Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, mặc dù tại Điều 60 dự thảo Bộ luật quy định, về Hội đồng xét sử sơ thẩm vụ án dân sự đã thể hiện được vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ trong việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự là người chưa thành niên, nhưng chưa có quy định đối với các vụ án mà đương sự là những phụ nữ yếu thế, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm vào dự thảo Bộ luật những quy định có hội thẩm nhân dân là đại diện của Hội Liên hiệp phụ nữ trong các vụ án mà đương sự là phụ nữ yếu thế, là nạn nhân của bạo lực gia đình, để đại diện bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng này.

Ngoài ra, vấn đề về bạo lực gia đình cũng là một vấn đề được các đại biểu quan tâm cho ý kiến. Mốt số đại biểu cho rằng, một trong những thể hiện rõ nét về việc bảo đảm, thống nhất của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự với Luật phòng chống bạo lực gia đình là việc bổ sung quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm tiếp xúc đối với nạn nhân bạo lực gia đình”. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được áp dụng trong trường hợp gắn với một vụ kiện có liên quan. Trường hợp không có vụ kiện liên quan thì người dân không thể đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp này.

Đa số các đại biểu đều đồng tình với việc cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với đơn khởi kiện, trong đó Tòa án có thẩm quyền áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo căn cứ của pháp luật khi có đơn yêu cầu mà không cần gắn với một vụ kiện nào, trong đó có biện pháp cấm tiếp xúc đối với nạn nhân bạo lực gia đình.

Tin và ảnh: An Vy