ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THẨM TRA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)

20/05/2019

Chiều 19/5, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiến hành thẩm tra Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trong hệ thống pháp luật về lao động Việt Nam, Bộ luật Lao động giữ vị trí rất quan trọng, điều chỉnh lĩnh vực khá rộng, tác động đến tất cả các thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động. Do đó, việc sửa đổi Bộ luật để khắc phục những bất cập, vướng mắc trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, trong thực tiễn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập cần bổ sung, sửa đổi; yêu cầu từ việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế; do đó, Bộ luật Lao động 2012 sửa đổi là cần thiết.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, Bộ luật Lao động lần này sẽ được sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm: Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam; Bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày Tờ trình

Thẩm tra Tờ trình Dự án luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, toàn diện, đúng mức các quan điểm chỉ đạo của Đảng và tinh thần Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện các chủ trương mạnh mẽ của Đảng về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng  và theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, Ủy ban thẩm tra đề nghị bổ sung và quan tâm sâu sắc hơn tới việc thể chế hóa quan điểm chỉ đạo về việc “Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực”, “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Đây sẽ là quan điểm chỉ đạo quan trọng khi xem xét, điều chỉnh các chính sách về tiền lương, thời giờ làm việc, học nghề, đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban thấy rằng hồ sơ dự án Bộ luật chưa thể hiện rõ nét 2 khía cạnh quan trọng: sự tương thích giữa việc đề ra các quan điểm chỉ đạo sửa đổi toàn diện Bộ luật với việc cụ thể hóa trong các nội dung liên quan của dự thảo Bộ luật; sự đồng bộ giữa việc nhận diện đầy đủ những vấn đề mới về quan hệ lao động và tiêu chuẩn lao động, những hạn chế, bất cập qua tổng kết thi hành pháp luật với việc đề xuất các giải pháp điều chỉnh pháp luật.

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, Ủy ban thẩm tra đề nghị khi xem xét điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần khẳng định rõ đây là quy định chung về tuổi nghỉ hưu đối với lao động của quốc gia, còn đối với những ngành, nghề, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và vùng sâu, vùng xa được giảm tuổi nghỉ hưu tối đa không quá 5 năm. Bên cạnh đó, việc tiếp tục duy trì quy định tại Khoản 3 Điều 170 dự thảo Bộ luật về việc người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn không quá 5 năm cần có đánh giá việc thực hiện quy định hiện hành. Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ: đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi  ghi nhận “quyền nghỉ hưu” và thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; tác động đối với người lao động (gồm cả nhóm được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn); sự thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; dự liệu phản ứng của dư luận xã hội để có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đặc biệt là ý kiến của người lao động, người sử dụng lao động, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm lựa chọn được phương án phù hợp và tối ưut ; có dự thảo văn bản quy định chi tiết về vấn đề này để xem xét, đánh giá về tính khả thi của điều chỉnh chính sách.

Toàn cảnh phiên họp

Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Tờ trình của Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ/năm), đi cùng một số biện pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của việc điều chỉnh chính sách tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người lao động. Trong bối cảnh năng suất lao động của Việt Nam chưa được cải thiện tích cực, đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng bên cạnh việc bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, để hài hòa lợi ích các bên trong quan hệ lao động, hướng tới các giá trị việc làm bền vững, cần giải quyết triệt để mối quan hệ giữa tiền lương và thời giờ làm việc.

Đối chiếu các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban về các vấn đề Xã hội thấy rằng, hồ sơ đề nghị thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) phải tiếp tục bổ sung mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật, nhất là tiếp tục tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các chính sách trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các hiệp hội, hội… và phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội cho phép áp dụng thủ tục xem xét, thông qua dự án Bộ luật theo quy trình 3 kỳ họp để đảm bảo chất lượng thẩm tra, chỉnh lý dự án Bộ luật.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc chuẩn bị hồ sơ Dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi) nhằm đảm tiến độ và nội dung. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, ngay sau phiên họp thẩm tra này, Ủy ban sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng để gửi Quốc hội cho ý kiến theo dự kiến Chương trình kỳ họp đã đề ra./.

 

Hồ Hương