Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp
Tham dự Phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số Bộ, ngành hữu quan.
Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết mục đích sửa đổi Pháp lệnh là nhằm thể chế hóa kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn công tác này: phấn đấu đến hết năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.
Đồng thời, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia tích cực hơn nữa cùng với nhà nước để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Khuyến khích, động viên người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban soạn thảo cũng cho biết, quan điểm chỉ đạo sửa đổi Pháp lệnh là rà soát, sửa đổi và chuẩn hóa các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo tôn vinh danh hiệu người có công với cách mạng đảm bảo đúng đối tượng, mức độ cống hiến và chấn chỉnh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi. Xác lập các mức trợ cấp, phụ cấp và ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo tương quan bình đẳng công lao đóng góp, sự hy sinh giữa các diện đối tượng.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo một số nội dung
Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính khả thi của chính sách và tính công khai, minh bạch trong quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ, giấy tờ để phù hợp với điều kiện, bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, từng thời kỳ kháng chiến, đặc điểm lịch sử địa lý của từng vùng miền trong kháng chiến. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công. Tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác chăm lo người có công với cách mạng.
Tại Phiên họp, một số ý kiến của Thường trực Ủy ban chỉ ra rằng, cần rà soát lại các đối tượng chính sách; đồng thời đảm bảo phải đáp ứng quan điểm chính ưu đãi người có công phải cao hơn chính sách của tất cả các chính sách xã hội khác. Đồng thời, đề nghị xử lý những tồn đọng đối với vấn đề người có công, quy trình, thủ tục, cách thức để công nhận đối tượng khó khăn này, để giải quyết được những tồn đọng; đảm bảo nguyên tắc sửa lần này phải đảm bảo không bỏ đi các chính sách hiện thời mà chỉ có bổ sung thêm các chính sách.
Ngoài ra, các ý kiến của đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội đề nghị xem xét nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Chính phủ đã bổ sung trong dự thảo Pháp lệnh chính sách trợ cấp đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Việc bổ sung chính sách ưu đãi này có ưu điểm là cụ thể hóa được tinh thần của Chỉ thị số 14/CT/TW này 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và đề xuất của Hội nạn nhân chất độc hóa học.
Các đại biểu tham dự cho ý kiến
Về vấn đề này, Ban soạn thảo chỉ ra rằng việc tiến hành xác định thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc hóa học cũng có nhiều vướng mắc như không rõ ràng, khi triển khai sẽ gặp khó khăn, dễ bị lợi dụng chính sách, Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội cũng đề nghị cần nghiên cứu, rà soát rõ về vấn đề này trên tinh thần đảm bảo cố gắng đưa chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 vào trong Pháp lệnh sửa đổi.
Đối với nội dung về bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá, một số ý kiến cho biết, Pháp lệnh hiện hành quy định thân nhân của liệt sĩ là: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác thì không phải là thân nhân liệt sĩ và không được hưởng các chế độ ưu đãi như thân nhân liệt sĩ. Để ghi nhận tình cảm, trách nhiệm của người vợ/chồng tuy đã có chồng/vợ khác nhưng vẫn làm tốt việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ nên Chính phủ bổ sung chính sách trợ cấp tuất hàng tháng đối với trường hợp có biên bản của gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ khẳng định đã nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống, được UBND cấp xã xác nhận; đồng thời có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung chính sách bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá.
Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội gửi ý kiến thẩm tra sớm để Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổng hợp; trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban sẽ thể hiện đầy đủ ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra và các ý kiến của các cơ quan, đơn vị tham gia thẩm tra. Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, qua các ý kiến tại Phiên họp, có thể thấy Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị Cơ quan soạn thảo hoàn thiện báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề đảm bảo hồ sơ Dự án Pháp lệnh trình trong thời gian tới./.