HÌNH ẢNH: ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

17/04/2020

Chiều ngày 16/4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chưa được đánh giá tác động một cách đầy đủ, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính khả thi, nhất là các cơ chế về người lao động ở nước ngoài, các chính sách có hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ, Ban soạn thảo cần quan tâm rà soát, bổ sung đánh giá, tiếp thu các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan, doanh nghiệp, người lao động… để hoàn thiện dự án Luật, hướng tới mục tiêu bảo đảm hài hòa giữa tăng cường quản lý nhà nước với việc mang lại lợi ích thực sự cho người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ.

Chiều cùng ngày, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đã nghe báo cáo về đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức và vấn đề lao động, việc làm trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA)...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, sau hơn 12 năm thi hành, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn áp dụng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế

Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) lần này nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường pháp lý thông suốt và đồng bộ cho hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước theo theo hợp đồng; hoàn thiện quy định về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật chưa được đánh giá tác động một cách đầy đủ, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính khả thi, nhất là các cơ chế về người lao động ở nước ngoài, các chính sách có hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước

 Góp ý về hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ, ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc vì hoạt động của Quỹ trong thời gian qua không phát huy được vai trò và hiệu quả. Do đó, đề nghị ban soạn thảo giải trình cụ thể đối với hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước tập trung vào giải quyết những vấn đề liên quan đến người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ nhà nước cho phép và khi không có nguồn từ ngân sách nhà nước thì lấy vào Quỹ này. Tuy nhiên, việc chi tiêu của Quỹ chưa có quy định cụ thể. Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phải tạo điều kiện để Quỹ hoạt động đầy đủ.

Đại diện Bộ Ngoại giao phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định

Trên cở sở ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị các cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian tới.

Chiều cùng ngày, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã nghe báo cáo về đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức và vấn đề lao động, việc làm trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA)./.

Trọng Quỳnh