GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI) TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 3

09/05/2022

Ngày 09/5, Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy đồng chủ trì hội thảo.

 

Toàn cảnh hội thảo

Dự hội thảo có Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường; Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm; Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh; đại diện Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng đại diện các bộ, ban, ngành hữu quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc cũng như sự nghiêm túc, chủ động của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế đã tham gia.

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả tốt cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII, XIII, đặc biệt là chủ trương thực hiện các biện pháp phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình một cách toàn diện, khả thi, có hiệu quả, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) đang được tiến hành và sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” được tổ chức nhằm tiếp tục lắng nghe, thu thập ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp vào những chính sách lớn của dự án Luật; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp, điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa về công tác bạo lực gia đình. Hội thảo đặc biệt coi trọng những ý kiến đóng góp trực tiếp vào các chương, điều khoản cụ thể về dự án Luật, về sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã lắng nghe Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khuất Văn Quý trình bày khái quát những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các vấn đề cần xin ý kiến.

Thảo luận về dự án Luật, đa số các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là điều cần thiết để ứng phó với vấn nạn này trong điều kiện hiện nay. Các đại biểu, chuyên gia cũng tập trung cho ý kiến đánh giá tính khả thi và việc đáp ứng của 3 chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật đối với yêu cầu giải quyết những bất cập, hạn chế và bù đắp những khoảng trống của luật hiện hành; yêu cầu điều chỉnh các vấn đề mới và công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam trong tình hình mới; góp ý vào các quy định chung của dự thảo Luật, nhận diện hành vi bạo lực gia đình và kiến nghị các biện pháp xử lý bạo lực gia đình mang tính xã hội; tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ; góp ý về quy định thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)…

TS.Khuất Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Lao động Xã hội

Tham gia ý kiến tại hội thảo, TS.Khuất Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Lao động Xã hội cùng một số chuyên gia cho rằng cần bổ sung thêm nội dung giải thích từ ngữ “thành viên gia đình” trong phần giải thích từ ngữ; bổ sung thêm hành vi “lựa chọn giới tính của thai nhi” vào phần hành vi bạo lực gia đình; giải thích rõ ràng hơn về “định kiến giới”, “bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình”.

Bà Phạm Thị Lan, đại diện tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) cùng một số chuyên gia kiến nghị cần bổ sung nguyên tắc “An toàn cho người bị bạo lực là trên hết và người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình” trong xử lý, phòng, chống bạo lực gia đình. Cho rằng quyền của người bị bạo lực cần được bảo vệ chặt chẽ hơn nữa, các chuyên gia cho rằng cần có quy định đảm bảo người bị bạo lực gia đình được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, miễn phí, bao gồm cả thu thập bằng chứng y tế miễn phí, quyền có người đại diện pháp lý…

Cùng với đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đề nghị trong quy định về nội dung thông tin, truyền thông giáo dục kỹ năng ứng xử trong gia đình, phòng ngừa, xử lý bạo lực gia đình, nên quy định theo hướng khái quát, tránh việc liệt kê các nội dung, hành vi cụ thể, dẫn đến không đầy đủ hoặc chưa sát với thực tiễn. Các chuyên gia cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội. Đồng thời, bổ sung thêm quy định về các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục phù hợp với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo bao quát hết các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có thể được triển khai thực hiện…

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, thực tế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc, gửi tới Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, để cung cấp thêm thông tin khoa học, đa chiều, đảm bảo đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Một số hình ảnh hội thảo:

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khuất Văn Quý trình bày khái quát những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các vấn đề cần xin ý kiến

PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật đánh giá tính khả thi và việc đáp ứng của 3 chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật đối với yêu cầu giải quyết những bất cập, hạn chế và bù đắp những khoảng trống của luật hiện hành

Bà Phạm Thị Lan, đại diện đại diện tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) tham chiếu tiêu chuẩn quốc tế về phòng ngừa và ứng phó bạo lực đối với phụ nữ, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp góp ý về quy định thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình

Phó Ban Chính sách – luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Cao Thị Hồng Minh đánh giá các quy định về tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải, góp ý, phê bình, hỗ trợ, bảo vệ trong phòng chống bạo lực gia đình của dự thảo Luật

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đánh giá cao những ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, thực tế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu

Minh Hùng