PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 2 CỦA UỶ BAN VỀ CVĐXH: SỐ TRẠM Y TẾ XÃ ĐƯỢC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG MỚI CHỈ ĐẠT 10%

08/10/2016

Sáng 8/10, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, các đại biểu xem xét, thảo luận về tình hình thực hiện các Dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu do Bộ Y tế quản lý hoặc thực hiện và dự kiến giai đoạn 2016- 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến tham dự phiên họp.

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã

Trình bày báo cáo tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết, đến cuối năm 2015, trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia với tỉ lệ bình quân cả nước đạt 64%, tiêu chí tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế hầu hết các xã đều đạt được. Bộ Y tế và một số địa phương đã kêu gọi các nguồn viện trợ, một số địa phương cũng đã quan tâm, sử dụng ngân sách địa phương, nguồn sổ xố để đầu tư cho trạm y tế xã. Kết quả, một số tỉnh như Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Yên Bái, Đắk Lắk... được tài trợ để đầu tư cho một số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã kêu gọi một số dự án ODA hỗ trợ cho xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho trạm y tế xã, dành một phần ngân sách của Chương trình hỗ trợ ngân sách giai đoạn I do EU viện trợ không hoàn lại để xây dựng mới một số trạm y tế xã tại các tỉnh miền núi, khó khăn... Tuy nhiên, số trạm y tế xã được đầu tư không nhiều, ước tính trong thời gian qua mới đầu tư xây dựng mới được khoảng 10% số trạm y tế xã.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong giai đoạn 2016- 2020, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trong đó ưu tiên các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, các xã thuộc vùng khó khăn. Đến năm 2020, có 90% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Về vấn đề đầu tư cho y tế cơ sở, các đại biểu cho rằng Bộ Y tế cần nâng cao công tác đào tạo y bác sĩ phục vụ cho khám chữa bệnh tại xã, cũng như đầu tư về trang thiết bị ở cơ sở để phục vụ tốt nhu cầu của người dân vùng sâu vùng xa. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế cần có những chiến lược cụ thể, cần dành nguồn ngân sách cả trung ương lẫn địa phương để đáp ứng đúng với chiến lược đầu tư cho y tế cấp cơ sở đặt biệt là y tế cấp xã.

Hạn chế tối đa tỷ lệ người dân mắc phải các dịch bệnh nguy hiểm

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, tình hình bệnh dịch trong thời gian qua ở nước ta diễn biến rất phức tạp, có nhiều dịch bệnh mới bùng nổ. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, hạn chế tối đa tỷ lệ người dân mắc phải các dịch bệnh nguy hiểm. Ví dụ như, trong giai đoạn 2011- 2015, Bộ Y tế đã hoàn thành mục tiêu giảm 18% tỷ lệ mắc trên 100.000 dân do sốt xuất huyết so với trung bình giai đoạn 2016- 2020 (giai đoạn 2016- 2020 là 119,06%), duy trì tỷ lệ chết/mắc sốt xuất huyết xuống dưới 0,09%. Với căn bệnh ung thư, ngành y tế đã khám, sàng lọc phát hiện sớm cho khoảng trên 400.000 người; giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng đã giúp cho công tác điều trị có hiệu quả hơn và chi phí chỉ bằng 20% do với điều trị muộn.

Chương trình mục tiêu quốc gia an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đạt được mục tiêu đề ra

Từ năm 2011- 2015, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100,6 tỷ đồng, ngoài ra còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm để người dân được biết. Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm luôn được tích cực đẩy mạnh, nhờ vậy tỷ lệ số người mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trên 100.000 dân trong các vụ ngộ độc thực phẩm đã được khống chế ở mức 6,06, đạt mục tiêu đề ra (dưới 8 người/100.000 dân), số vụ ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn hơn 30 người mắc trên vụ có giảm so với năm 2010 (giảm 8,33%), tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra (giảm 25%).

Đánh giá về vấn đề an toàn về sinh thực phẩm, các đại biểu đánh giá cao công tác phối hợp liên ngành của Bộ Y tế đã có hiệu quả hơn ở các cấp. Các đại biểu nhận thấy, hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ, đặc biệt lần đầu tiên lĩnh vực an toàn thực phẩm có Nghị định xử phạt vi phạt vi phạm hành chính riêng với mức phạt đã tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Bộ Y tế cần cố gắng sát sao hơn nữa về những vấn đề như phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm để kiến thức của người sản xuất, chế biến của người tiêu dùng được tăng lên.

Vân Ngọc